Đã xảy ra các cuộc đảo chính, phong trào cách mạng, sự xâm lược từ bên ngoài và những cuộc chiến tranh ủy nhiệm nhưng Trung Đông chưa từng chứng kiến một cuộc chiến trực diện nào giữa các nước lớn trong khu vực kể từ những năm 1980.
Thế nhưng, theo Bloomberg, thời gian gần đây lại đang gia tăng nguy cơ bùng phát một cuộc chiến như vậy ở Syria, giữa Israel và Iran.
Những tuyên bố mạnh mẽ
Các lực lượng của nước Cộng hòa Hồi giao Iran đã bám trụ ở Syria từ khi tham gia cuộc chiến ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad. Quốc gia Do Thái Israel, nhận thấy bị đe dọa trực tiếp từ vùng biên giới, đã tăng cường các cuộc không kích nhằm vào địa điểm có sự hiện diện của những lực lượng được Iran hậu thuẫn. Cả hai đều đã đe dọa đáp trả lẫn nhau.
Xu hướng leo thang đang trở nên ngày một rõ ràng và những lời lẽ qua lại dường như là tín hiệu báo trước sự thảm khốc của nó nếu xung đột diễn ra.
"Chúng tôi sẽ xóa sổ mọi địa điểm mà Iran cố gắng bám trụ", Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Liberman phát biểu trên tờ báo tiếng Ả Rập Elaph có trụ sở ở London, thậm chí còn mạnh bạo tuyên bố chế độ Iran "đang sống những ngày cuối cùng".
Tại Tehran, tướng Hossein Salami, Tư lệnh phó Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi Giáo Iran cũng thẳng thừng đáp trả: "100.000 tên lửa sẵn sàng bay về phía Israel", đồng thời cảnh báo về sức "hủy diệt và tàn phá của chúng".
Tiêm kích F-15 của Không quân Israel
Đốm lửa nhỏ có thể thiêu rụi cả cánh rừng
Iran và Israel vẫn thường đe dọa lẫn nhau từ nhiều thập kỷ qua nhưng điểm khác biệt hiện nay chính là cuộc nội chiến ở Syria đã lôi kéo cả hai quốc gia vào cuộc, trở thành môi trường chiến tranh tiềm ẩn, cận kề với Jerusalem hơn là Tehran.
Các quan chức Israel cho biết, hiện đang có khoảng 80.000 tay súng ở Syria sẵn sàng nhận lệnh từ Iran. Trong quá trình hỗ trợ Tổng thống Assad giành lại lãnh thổ, những chiến binh từ Hezbollah đã triển khai tới các vùng cách Cao nguyên Golan ở phần tiếp giáp với biên giới Israel chỉ vài km.
Iran đã tuyên bố trả thù cho những công dân của họ bị Israel sát hại trong các vụ không kích và nói rằng "có rất nhiều lựa chọn" để làm điều đó.
"Đây là một tình huống đầy nguy hiểm", Ofer Shelach, thành viên Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng Quốc hội Israel cho biết. "Tôi rất lo lắng về khả năng một đốm lửa nhỏ ở Cao nguyên Golan sẽ thổi bùng lên một cuộc chiến, lan tỏa ra cả các vùng biển".
Bên nào sẽ "dập lửa"?
Vấn đề thậm chí còn đáng quan ngại hơn, đó chính là sự thiếu vắng "các bên dập lửa".
Israel ca thán Washington đóng một vai trò quá mờ nhạt, không thể giúp ổn định tình hình Syria để bảo đảm an ninh cho đồng minh. Thiếu vắng điều đó, "chúng tôi chỉ có thể bảo vệ lợi ích của mình bằng vũ lực", Shelach tuyên bố.
Thay vì xoa dịu căng thẳng, Tổng thống Mỹ Donald Trump, bị kích động bởi Israel, lại như đổ thêm dầu vào lửa. Bằng việc đe dọa rút khỏi thỏa thuận quốc tế kiểm soát chương trình hạt nhân của Iran, ông Trump đã gieo thêm một mần mống bất ổn nữa trong khu vực.
Nước thực quyền duy nhất có thể đóng vai trò trung gian dàn xếp cho cả hai, đó là Nga. Việc Tổng thống Vladimir Putin quyết định can thiệp vào Syria năm 2015 đã đưa Nga trở thành bên có tiếng nói mạnh mẽ nhất ở quốc gia Trung Đông này.
Tổng thống Putin đang mong muốn đạt được một thỏa thuận hòa bình, do vậy việc tìm cách ngăn chặn chiến tranh bùng phát nằm trong lợi ích của ông. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông có thể hoặc sẵn lòng kiểm soát Iran.
Mặc dù mong muốn duy trì quan hệ với Israel nhưng nhiều khả năng ông Putin sẽ khó vượt qua được những lợi ích mà Nga đang có với Iran, nước đã đóng góp khá to lớn cho thắng lợi của Moscow ở Syria.
Về phần mình, do liên tục bị kẻ thù đe dọa tấn công hoặc thay đổi chế độ, Iran cũng luôn coi trọng mối quan hệ thân tình với các chính phủ ở Damascus và Beirut.
"Người Iran ở Syria đã thành công trong việc giúp Tổng thống Assad xây dựng được lực lượng chống Israel", Paul Salem, Phó Chủ tịch Viện Trung Đông ở Washington nhận xét. "Dường như cả Nga và Chính phủ của ông Assad đều không kiểm soát được hay có thể giới hạn được điều này. Tình hình rất không ổn định và khó kiểm soát".
Một bài kiểm tra về khả năng kiểm soát tình hình của Nga có thể là ở miền Nam Syria, nơi IS và các phần tử thánh chiến khác vẫn giữ quyền kiểm soát vùng lãnh thổ gần biên giới với Israel, địa điểm có thể sẽ là những mục tiêu tấn công tiếp theo của Quân đội Chính phủ Syria.
"Trước khi họ hành động, Nga cần phải dàn xếp một thỏa thuận với Israel", Yuri Barmin, chuyên gia về Trung Đông của Hội đồng Các vấn đề Quốc tế của Nga - cơ quan tham mưu cho Kremlin nhận xét. "Nga sẵn sàng thương thuyết về vấn đề Iran và về sự hiện diện của Iran ở những khu vực này".
Hệ thống phòng không S-300 có thể bộc lộ những nguy cơ mới cho không quân Israel?
Israel và Iran sẽ đối đầu trên lãnh thổ Syria?
Trước xung đột Syria, các cuộc không kích của Israel thường nhằm phá hủy các đoàn xe chở vũ khí cho Hezbollah ở Lebanon. Nhưng đã có sự thay đổi đáng kể. Hai cuộc không kích trong tháng qua, mặc dù Israel luôn chọn cách không bình luận, đều nhằm vào cơ sở hạ tầng vững chắc được các lực lượng Iran sử dụng. Cả hai điều diễn ra ở sâu bên trong lãnh thổ Syria.
"Thật thiển cận khi chỉ nhìn vào những khía cạnh như Iran đóng quân cách biên giới bao nhiêu km", Amos Gilad người vừa mới từ chức Giám đốc các vấn đề chính trị - quân sự của Bộ Quốc phòng Israel nói. "Iran không được phép đóng quân ở Syria. Israel quyết ngăn chặn điều đó".
Theo chuyên gia Sami Nader của Viện Nghiên cứu Chiến lược Levant ở Beirut, Nga có thể không phản đối Israel thực hiện một vụ tấn công vào các vị trí của Iran tại Syria miễn là nó không đe dọa tới sự lung lay của chế độ Assad - con Át chủ bài của Nga trong bàn đàm phán.
Cho tới nay, phản ứng của Nga trước các cuộc không kích của Israel vẫn rất tĩnh lặng.
Tuy nhiên, sau khi Mỹ và liên quân Anh - Pháp tấn công Syria ngày 14/4 vừa qua, các quan chức Nga đã lên tiếng tuyên bố sẽ chuyển giao các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến S-300 cho Syria.
Đó có thể bộc lộ những nguy cơ mới cho không quân Israel và càng làm gia tăng khả năng bùng nổ xung đột.
Một thế kỷ trước đây, năm 1967, Israel đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ chống lại các đối thủ Ả Rập.
Vài năm sau đó, năm 1973, là cuộc tấn công của liên minh Ả Rập đối với Israel. Trong cả hai sự kiện, các bên đều chủ động lựa chọn chiến tranh.
"Nhưng đó không phải là cách các cuộc xung đột gần đây của Israel bắt đầu, Shelach nói. "Nó luôn luôn diễn ra vì tình hình leo thang, suy giảm, mà không cần bất cứ bên nào đưa ra quyết định. Đó là nguy cơ hiện nay, chưa thấy ngã rẽ rõ ràng nào".
F-16 của Israel bị phòng không Syria bắn rơi
No comments:
Post a Comment