Tháng 9/2018, cả thế giới sục sôi sau quyết định và cuộc chuyển giao chóng vánh các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 hiện đại cho Quân đội Syria để phòng tránh thảm kịch bắn nhầm Il-20 trong tương lai.
Khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng những "đôi cánh bất bại" của Israel sẽ không bao giờ đặt chân vào không phận Syria nữa.
Thế nhưng, chỉ 2 tháng sau (tháng 11/2018), máy bay Israel lại gầm rú trên bầu trời Syria. Liên tiếp sau đó, tháng 12/2018 rồi tháng 1/2019, Không quân Israel (IAF) tổ chức nhiều cuộc tấn công thẳng vào cả Damascus.
Cả thế giới "náo loạn" gọi tên S-300, S-300 đang ở đâu? Câu trả lời sau đó được trả lời rằng kíp chiến đấu người Syria vẫn đang được huấn luyện. Những người bạn tốt của đất nước này thở phào nhẹ nhõm và sớm nghĩ tới một chiến thắng không xa!
Khoảng giữa tháng 2, đầu tháng 3/2019, truyền thông quốc tế rộ lên thông tin S-300 đã được phòng không Syria kích hoạt chiến đấu - Israel hãy đợi đấy!
Vậy mà, đêm 27 - rạng sáng 28/3, máy bay chiến đấu tàng hình F-35I của Israel bất thình lình tiến hành không kích thành phố Aleppo. Toàn bộ phòng không Syria thêm lần thứ "N" choáng váng, còn S-300 "như thường lệ" im bặt!
Đến đây, chắc kể cả những người nhẫn nại nhất cũng phải "đứng phắt dậy hét lên chuyện gì xảy ra thế này".
Câu trả lời chính xác nhất của "thảm kịch không bắn được máy bay Israel" xem ra phải chờ giới chức Nga - Syria hoặc có lẽ sẽ chẳng có câu trả lời nào hết?
Điều nghiêm trọng nhất đã xảy ra?
Dẫu vậy, căn cứ vào các dữ kiện hiện tại, có thể có một số hướng phán đoán. Đầu tiên, chắc hẳn không ít người sẽ nghĩ tới lúc này đó là cơ bản hệ thống tên lửa phòng không S-300 không thể phát hiện máy bay tàng hình.
Bấy lâu nay, người ta thường chỉ biết đến S-300 là hệ thống tên lửa hiện đại, do Liên Xô sản xuất, Nga hiện đại hóa, nó có tầm bắn từ 150-200km, độ cao hạ mục tiêu lên tới 27km.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt để tiêu diệt được máy bay tàng hình phải là hệ thống radar của S-300 có phát hiện được mục tiêu hay không?
Điều này rất quan trọng vì kể cả tên lửa hiện đại nhất trên S-400 mà radar không thấy gì thì dĩ nhiên chẳng bắn được ai!
Cụ thể, đạn tên lửa S-300 hiện chủ yếu sử dụng đầu tự dẫn kiểu radar bán chủ động.
Phương thức dẫn đường với đầu dẫn này sẽ gồm các bước: radar phát hiện, theo dõi và chiếu xạ vào mục tiêu; tên lửa sau khi rời bệ, hệ thống dẫn đường trên đạn sẽ thu sóng phản xạ lại theo hướng đó tấn công.
Vậy cho nên, ở trường hợp này chỉ có thể nói rằng hệ thống radar của S-300 xem ra đã không thể phát hiện được máy bay Israel.
Chờ mãi mà S-300 vẫn chưa chịu lập công ở Syria.
Bên cạnh đó, vẫn còn một câu hỏi dành cho lực lượng radar của Nga đặt tại Hmeymim, họ đã làm gì trong "đêm bão tố". Phải nhớ rằng, Nga từ sau thảm kịch Il-20 đã nỗ lực xây dựng hệ thống phòng không hợp nhất với Syria để phối hợp tác chiến.
Tầm trinh sát của radar phòng không Nga đặt tại Hmeymim được cho là lên tới 600km bao phủ tới cả một phần không phận Jordan vậy nhưng họ cũng không thể làm gì hơn?
Ngoài vấn đề kỹ thuật, con người và kinh nghiệm tác chiến cũng có khả năng là câu trả lời cho việc S-300 liên tiếp bị qua mặt dễ dàng tại Syria.
Các sĩ quan phòng không Syria lâu nay vẫn là một điểm yếu không có lời giải thích rõ ràng.
Không ít lần, chính đối thủ đã tố cáo việc Quân đội Syria khai hỏa một cách bừa bãi lên trời khi bị không kích.
Hay sự cố bắn nhầm máy bay trinh sát Il-20 khiến phi hành đoàn kỳ cựu của Nga hi sinh đều dính dáng tới sai lầm từ phía sĩ quan phòng không Syria.
Trở lại với câu chuyện S-300, không loại trừ việc kíp chiến đấu Syria đêm hôm đó thiếu và yếu kinh nghiệm sử dụng khí tài mới dẫn tới hậu quả đau lòng.
Thật ra, điều này hoàn toàn có thể thông cảm vì dẫu sao S-300 khác hẳn với S-200, sẽ cần một thời gian nữa để kíp chiến đấu làm quen với hệ thống mới và thực chiến không chỉ với máy bay tàng hình mà cả các loại máy bay thông thường khác.
Đồ họa đường bay của F-35 Israel, tầm phát hiện của radar Nga trọng trận đánh hôm 27/3.
Dẫu vậy, chắc hẳn trong các cabin điều khiển tên lửa sẽ có sự góp mặt của sĩ quan phòng không Nga. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, có rất nhiều vấn đề có thể xảy ra, tựu chung họ không thể làm gì hơn ngoài việc đứng xem.
Đó là chưa kể, nhìn vào lịch sử tác chiến của S-300, kể từ khi ra đời tới nay tổ hợp vũ khí này chưa bao giờ tham gia một trận chiến mà chủ yếu là diễn tập giả định (phóng giả trên hệ thống, phóng thật với mục tiêu bay).
Sĩ quan S-300 của Nga còn chưa có kinh nghiệm đối đầu máy bay chiến đấu đối phương thì sao sĩ quan Syria có cơ hội?
Cay đắng thừa nhận Không quân Israel quá giỏi!
Ngoài việc "đổ lỗi" cho vũ khí khí tài và con người, nếu nói về thất bại của S-300 trước F-35I thì một nguyên nhân nữa mà tất thảy phải thừa nhận là việc "Không quân Israel quá giỏi".
Đầu tiên phải nói về mặt chiến thuật của trận đánh đêm 27/3, so với nhiều cuộc không kích trước đó trong tháng 1/2019 và cuối năm 2018, có nhiều điểm khác.
Cụ thể, thông thường các cuộc không kích của Israel nhắm vào Syria lâu nay được tiến hành qua không phận Lebanon.
Thế nhưng, đêm 27/3, rất hiếm hoi các máy bay tàng hình F-35 của Israel lại đi qua không phận Jordan và Iraq trước khi tiến vào Syria.
Sự thay đổi đường bay này là một điểm mới và gây bất ngờ, choáng váng với không chỉ Syria mà chắc hẳn cả từ phía Nga.
F-35 ném bom thông minh.
Bởi việc thay đường bay rất tốn công sức, nó liên quan tới lượng nhiên liệu, bố phòng phòng không của đối phương. Không phải là muốn thì sẽ thay được ngay sau "một nốt nhạc".
Ngay cả tới Mỹ, trong cuộc chiến phá hoại miền Bắc Việt Nam họ cũng chỉ tổ chức một số đường bay nhất định, không phải thay đổi một cách bất thình lình như vậy.
Thứ hai, việc Israel chọn mục tiêu là tỉnh Aleppo cũng là điều gây bất ngờ lớn. Bởi những cuộc không kích gần đây nhất đa số nhắm vào Damascus, hiếm khi họ đánh dấn lên xa tít tận vùng phía bắc Syria.
Rõ ràng, phòng không Nga - Syria có lẽ đã chủ quan không tính tới hết mọi phương án mà Israel có thể thực hiện.
Thật ra, cũng phải thông cảm phần nào khi mà vào thời điểm này Israel đang "nắm quyền chủ động", còn ở thế bị động như Syria chỉ có thể chờ và thủ.
Cũng có thể phòng không Nga phát hiện những "cái chấm nhỏ" trên màn hình hiện sóng nằm ở không phận Jordan, tuy nhiên họ phải bỏ qua và tập trung cho các khu vực quan trọng hơn.
Điều này không quá khó để giải thích, đã từ lâu bầu trời Syria được xem là "nơi hỗn loạn nhất thế giới". Ở đấy, không chỉ có máy bay Nga - Syria hoạt động mà có khi cả máy bay của Mỹ và đồng minh.
Để phân biệt chính xác đâu là địch, đâu là ta, đâu là máy bay quân sự, đâu là dân sự không phải dễ dàng, vô cùng khó khăn!
Chỉ hệ thống radar đặt ở Hmeymim là không đủ để kiểm soát mọi thứ, còn radar của Syria từ lâu bị coi là quá lỗi thời, lạc hậu có tầm phủ sóng lớn nhưng không chắc tóm được máy bay tàng hình.
Sự thất bại của S-300 nói riêng và phòng không Syria nói chung thì đã rõ, sẽ có rất nhiều cuộc phân tích tìm kiếm lời giải chính xác nhất. Còn với Israel, sau trận đánh này họ cho cả thế giới thấy rằng "không có gì là không thể".
"Kẻ nhiều tật" F-35 "vụt sáng thành sao"!
Bên cạnh đó, chiến thắng này chắc hẳn cũng khiến Washington và Lockheed Martin "nức lòng" vì Israel vừa dùng chiếc máy bay "lắm tài, nhiều tật" F-35 qua mặt S-300, S-400 cùng hàng nghìn chuyên gia Nga.
Bởi với chiến thắng này, nước Mỹ gián tiếp chứng minh cho các nước đồng minh của mình rằng tính năng tàng hình của F-35 thực sự ưu việt, radar Nga không thể phát hiện.
Ngày bản thân Không quân Mỹ và Hải quân Mỹ từng nghi ngờ về năng lực của F-35 sau sự kiện này chắc hẳn phải xem xét lại.
Có thể nói, nhờ Israel mà "vận xui" của F-35 đang dần được hóa giải!
Video năng lực tác chiến đáng gờm của máy bay tiêm kích tàng hình F-35
No comments:
Post a Comment