Thông tin này càng có chứng cứ xác thực hơn với việc quan chức ngoại giao Trung Quốc thăm thành phố Aleppo, cũng như việc đoàn thi đấu Trung Quốc tham gia giải đua tăng Tank Battalion 2018 đã gặp gỡ đội thi đấu Syria trao đổi kinh nghiệm thực chiến.
Khả năng Trung Quốc gửi quân tham chiến ở Syria trong bối cảnh cuộc nội chiến ở quốc gia Cận Đông này đang đi tới hồi kết là rất có cơ sở. Tham gia cuộc chiến Syria ở thời điểm hiện tại sẽ mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi ích về quân sự, kinh tế hơn là thiệt hại. Bắc Kinh liệu có bỏ qua "món hời" trời cho này?
"Vũ khí giấy"
Vũ khí là loại trang bị rất đặc biệt. Nó sinh ra để phục vụ chiến tranh và cung cần chính chiến tranh để khẳng định giá trị và hiệu quả. Mối quan hệ "mâu thuẫn" này chính là nền tảng phát triển đối với mọi loại trang bị, khí tài quân sự từ cổ chí kim.
Điều này lại càng đặc biệt hơn với Trung Quốc! Có thể nói nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc chưa hề tham chiến ở bất kỳ đâu trên thế giới. Quốc gia tỷ dân này sau quá trình hiện đại hóa quân đội đã cho ra mắt hàng loạt trang bị, khí tài quân sự hiện đại, mang hàm lượng chất xám cao.
Khi xe tăng Type-96B của Trung Quốc gặp sự cố, các cố động viên của họ đã rất lo lắng.
Tuy nhiên, trang bị quân sự Trung Quốc mới chỉ khẳng định tính năng trên bãi thử, thao trường, mà chưa một lần được thử lửa thực chiến.
Trung Quốc liệu có an tâm khi sở hữu một kho vũ khí đồ sộ, nhưng không rõ khả năng thể hiện thực sự của chúng trên chiến trường. Thực chiến khác hoàn toàn diễn tập hay thử nghiệm khi "bia mục tiêu" không phải nằm chết, mà biết bắn trả, biết tìm cách đối phó và học hỏi.
Đó chính là mới là thứ cần để vũ khí, trang bị phát huy khả năng thực. Bài học về xe tăng Type-96 rơi bánh, đứt xích hay xe bọc thép kháng mìn không chống được đạn hay mìn tại châu Phi chính là những bài học đắt giá cho việc vũ khí, trang bị quân sự Trung Quốc thiếu thực tiễn, thử nghiệm trên chiến trường.
Để so sánh, tại sao vũ khí Mỹ lại đạt được hiệu quả cao? Đó chính là nhờ những kinh nghiệm đúc rút từ thực chiến, vũ khí được thử nghiệm trực tiếp trên chiến trường để sửa đổi và hoàn thiện.
Nga gần đây với chiến trường Syria cũng đang làm điều tương tự. Hàng trăm loại khí tài quân sự mới phát triển sau khi Liên Xô tan vỡ đã được mang tới chiến trường Syria để "thử lửa".
Chính chiến trường sẽ làm vũ khí, trang bị quân sự bộc lộ "căn bệnh con trẻ" giúp các nhà phát triển sửa chữa và hoàn thiện.
Vậy Trung Quốc liệu có thể ngồi yên chứng kiến điều đó diễn ra? Syria có phải là cơ hội tốt để Trung Quốc mang vũ khí sang thử nghiệm và hoàn thiện? Điều đó là hoàn toàn có thể. Đặc biệt là khi cuộc nội chiến Syria đang đến hồi kết với thắng thế thuộc về chính phủ Damascus.
Bên cạnh việc thử nghiệm vũ khí, nếu tham chiến ở Syria, Trung Quốc còn nhiều toan tính khác…
Tiêm kích J-11 Trung Quốc thực hành tiến công mặt đất.
Quảng bá vũ khí và miếng bánh tái thiết
Với sự khôn ngoan, lọc lõi trên thương trường của người Trung Quốc, thì việc tham chiến ở Syria sẽ không chỉ để thử nghiệm vũ khí, mà còn mang nhiều mục đích rõ ràng khác. Quảng cáo vũ khí chính là một mục tiêu cụ thể nhất.
Sự thành công của vũ khí Nga khi tham chiến ở Syria được hiện thực hóa bằng hàng loạt hợp đồng vũ khí lớn tại nhiều quốc gia trên thế giới là một minh chứng cụ thể nhất cho vấn đề này.
Trung Quốc hoàn toàn có thể theo bước Nga, nhưng theo cách ít tổn thất nhất là tham gia cuộc chiến chống khủng bố ở Syria ở thời điểm hiện tại và sử dụng hình ảnh vũ khí, trang bị quân sự tham chiến để quảng cáo chúng trên thị trường thế giới.
Đây có thể coi là hành động "ăn ké". Tuy nhiên, điều đó có là gì với những lợi ích có thể mang lại. Những hợp đồng vũ khí tỷ đô sẽ bù đắp lại vấn đề này.
Một vấn đề khác là việc tham gia chiến dịch chống khủng bố ở Syria sẽ giúp Trung Quốc danh chính, ngôn thuận tiêu diệt các phần tử khủng bố Di Ngô Nhĩ đang cát cứ ở tỉnh Idlib, Syria.
Trung Quốc sẽ phải lo lắng tới các phần tử khủng bố này một khi nội chiến Syria kết thúc và chúng hồi hương gây ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh nội địa.
Tiêm kích J-11B Trung Quốc mang được nhiều loại vũ khí có điều khiển chính xác.
Trên hết, lợi ích lớn hơn cả chính là các hợp đồng tái thiết Syria sau chiến tranh. Sau nhiều năm nội chiến, Syria sẽ phải chi hàng chục tỷ USD để khôi phục đời sống dân sinh và sản xuất.
Những hợp đồng tái thiết sẽ rơi vào tay ai, mà không phải là những quốc gia đã đổ công sức, xương máu cho hòa bình của Syria. Trung Quốc với con mắt nhà buôn lọc lõi chắc chắn sẽ khó có thể bỏ qua.
Trong quá khứ, Mỹ từng làm nên tiền lệ khi đều tham gia thế chiến khi gần kết thúc và chọn bên thắng cuộc để nhận về lợi ích tối đa. Nếu tham chiến ở Syria, Trung Quốc có thể làm điều tương tự với quy mô nhỏ hơn.
Vấn đề còn lại của Trung Quốc là làm sao để có thể bước chân tham gia vào cuộc chiến ở Syria. Điều này rõ ràng phụ thuộc rất lớn vào Syria và Nga.
Để mở cuộc chiến chống khủng bố tại Syria, Nga phải có lời mời chính thức từ chính phủ Syria qua đường ngoại giao và hành động này là cấp thiết khi Damascus thời điểm đó đang đứng trên bờ vực sụp đổ.
Tình cảnh hiện tại khác xa với năm 2015, khi lực lượng chính phủ Syria đang thắng thế, liệu Damascus có muốn sự xuất hiện thêm lực lượng nước ngoài mới như Trung Quốc tham chiến. Lành hay dữ khó biết, nhưng nó chắc chắn làm tình hình hậu chiến ở Syria phức tạp hơn và sự lựa chọn chính danh vẫn đang nằm trong tay Damascus…
5 vũ khí "hàng nhái" tạo nên sức mạnh quân sự của Trung Quốc
No comments:
Post a Comment