40 năm trước, vào ngày 15/8/1978, Không quân Mỹ đã đưa vào trang bị loại máy bay chiến đấu đa nhiệm thế hệ thứ tư F-16. 5 năm sau, vào năm 1983, Liên Xô cũng đưa vào trang bị đối thủ đồng cân, đồng lạng: MiG-29 .
Máy bay F-16 đã lập nhiều kỷ lục của loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ. Sau 40 năm (tính đến năm 2018), tổng cộng đã có hơn 4.500 máy bay thuộc loại này đã được chế tạo.
Đối thủ của chiếc F-16 trong thời kỳ chiến tranh Lạnh là chiếc MiG-29 của Liên Xô, tuy nhiên 2 loại máy bay được coi là có tính năng tương đương này có số phận khác nhau.
Trong khi chiếc F-16 một thời được coi là biểu tượng của sức mạnh quân sự Mỹ thì chiếc MiG-29 luôn ở số phận long đong. Nếu hiện nay, quân đội Nga không tiếp tục mua MiG-29 thì nhà sản xuất MAPO-MIG, nơi chế tạo chiếc MiG-29 còn đứng trước nguy cơ phá sản.
F-16: Biểu tượng sức mạnh quân sự Mỹ
Trong thập niên 1970, trước khi giới thiệu máy bay chiến đấu hạng nặng F-15 Eagle, Không quân Mỹ nhận ra rằng, họ cần một loại máy bay chiến đấu rẻ tiền, điều khiển đơn giản và công nghệ tiên tiến.
Năm công ty Mỹ đã đề xuất dự án của họ, Lầu Năm góc đã chọn bản thiết kế của General Dynamics, công ty trước đây đã chế tạo máy bay ném bom chiến thuật F-111. Mẫu bay thử nghiệm kéo dài từ năm 1975 đến năm 1978, sau khi được chấp nhận đã bắt đầu sản xuất hàng loạt.
F-16 đã áp dụng nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến và những kinh nghiệm trong cuộc chiến tranh Việt Nam, trong đó nổi bật là buồng lái bằng thủy tinh trong suốt, hình bong bóng, phi công ngồi ở vị trí rất cao, gần như có thể thấy từ khuỷu tay trở lên cho phi công góc nhìn toàn cảnh xung quanh máy bay.
Hệ thống điều khiển kỹ thuật số của F-16 cho phép điều khiển máy bay một cách nhẹ nhàng, chính xác. Quan trọng hơn là giảm tải rất nhiều cho phi công, cho phép phi công tập trung vào các tác vụ chiến thuật khác thay vì phải lo điều khiển máy bay.
Cần lái F-16 được lắp đặt phía cạnh tay phải chứ không phải ở giữa hai chân như cách truyền thống, giúp tăng khả năng điều khiển khi quay vòng ở tốc độ lớn.
F-16 có 3 phiên bản chính A/B, C/D và E/F, trong đó A, C, E là phiên bản chính một chỗ ngồi còn B, D, F là phiên bản huấn luyện 2 chỗ ngồi. Hiện nay, không quân Mỹ đang sử dụng nhiều máy bay F-16 nhất, họ có hơn 1.000 chiếc F-16 (phần lớn là phiên bản C/D).
Chiếc F-16 là một máy bay nhỏ gọn, nhưng có thể đạt tốc độ 2.120 km/giờ ở độ cao khoảng 12 km. Bán kính chiến đấu tối đa là 1.760 km, khối lượng cất cánh lên đến 22 tấn, có khả năng mang theo nhiều loại vũ khí - từ bom rơi tự do đến tên lửa chống tàu.
F-16 mạnh về tải trọng vũ khí và hệ thống điện tử
Chiếm số lượng đông đảo, F-16 luôn là xương sống của Không quân Mỹ cũng như tham gia vào tất cả các cuộc xung đột có Mỹ tham dự, từ cuộc nội chiến ở Liban năm 1981 đến hoạt động quân sự của Mỹ và các đồng minh của họ ở Syria hiện nay.
F-16 ngay từ khi ra đời, đã trở thành một loại "ngựa thồ" đa năng, hiệu suất cao, có thể thực hiện nhiều kiểu nhiệm vụ và liên tục sẵn sàng xuất kích. Nó đơn giản và nhẹ hơn các kiểu máy bay trước đó.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2017, đã có hơn 650 sự cố được ghi nhận dẫn đến sự mất mát của F-16. Theo tổng kết từ phía Mỹ, chưa có một chiếc F-16 nào bị bắn rơi trong không chiến nhưng nó liên tục bị bắn hạ bởi hỏa lực từ mặt đất.
Trong chiến dịch "Bão táp Sa mạc" năm 1991, người Mỹ mất ít nhất 6 chiếc F-16 bởi hỏa lực phòng không của Iraq. Gần đây, nhất một chiếc F-16I của Không quân Israel đã bị lực lượng phòng không Syria bắn hạ.
MiG-29: Bảo vật của Liên Xô
Để đối phó với sự xuất hiện của máy bay chiến đấu hạng nhẹ thế hệ thứ tư của Mỹ, Liên Xô ngày 6/10/1977 đã bay thử chiếc MiG-29 đầu tiên và năm 1983 đưa vào biên chế hàng loạt.
Nhiệm vụ chính của máy bay MiG-29 là chiếm ưu thế trên không trong một khu vực nhỏ để hỗ trợ các đơn vị bộ binh cơ giới của Liên Xô. Những chiếc MiG-29 thuộc hàng không tiền tuyến sẽ bảo đảm cho các lực lượng mặt đất của Liên Xô, có thể hoạt động dưới một "tán ô" được bảo vệ, tán ô này cũng sẽ di chuyển cùng với các đơn vị.
Do vậy. MiG-29 được bố trí tương đối gần với tiền tuyến, có thể cất, hạ cánh ở những sân bay dã chiến. Ngoài ra, MiG-29 còn được giao nhiệm vụ bảo vệ cứ điểm và ngăn chặn đối phương dùng đường hàng không vận chuyển hàng hậu cần, bảo vệ các máy bay cường kích khỏi các máy bay tiêm kích của NATO như F-15 và F-16.
MiG-29 có lợi thế về sức mạnh động cơ và lực nâng
Những yêu cầu trên dẫn tới những đặc điểm thiết kế nổi bật của Mig-29; tiêu biểu là thiết kế phần thân máy bay cung cấp đến 40% của toàn bộ lực nâng, nhờ vào phần diện tích rìa cánh mở rộng có kích thước lớn, đây là phần tiếp giáp giữa thân và cánh máy bay.
Ngoài ra, 2 động cơ được đặt trong 2 khoang nằm cách xa nhau và tách biệt hẳn khỏi thân máy bay. Đây cũng là một trong những đặc tính giúp MiG-29 có thể vận hành tốt ở góc tấn lớn, nơi mà động cơ của những máy bay khác có thể không thể hoạt động được.
Hai động cơ RD-33 cho chiếc MiG-29 tăng tốc đến 2.450 km/giờ ở độ cao 12 km. Về tốc độ, MiG-29 tốt hơn so với F-16. Do tốc độ leo cao nhanh hơn, MiG-29 trong chiến đấu tầm gần, có khả năng cơ động hơn so với chiếc F-16.
Một trong những hạn chế lớn nhất của MiG-29 là tầm hoạt động ngắn, nếu thời gian giao chiến kéo dài, MiG-29 sẽ ở thế bất lợi. MiG-29 có 2 động cơ so với 1 của F-16, nhưng chứa nhiều hơn 150 kg nhiên liệu (không tính thùng nhiên liệu phụ gắn ngoài), ở chế độ đốt sau tối đa, tốc độ tiêu thụ nhiên liệu của MiG-29 gấp 3,5 đến 4 lần của F-16.
Bên cạnh đó, buồng lái của MiG-29 được đặt sâu bên trong, góc nhìn giữa hướng 4 giờ và 7 giờ hầu như không tồn tại. Chiếc F-16 dễ dàng điều khiển hơn so với những chiếc MiG-29 đời đầu, do F-16 sử dụng phần mềm điều khiển. Những chiếc MiG-29 sản xuất thời Liên Xô vẫn điều khiển bằng cơ khí.
Các phi công phương Tây, khi lái chiếc MiG-29 dường như nặng và khó khăn hơn chiếc F-16 nhưng nhờ trang bị 2 động cơ, chiếc MiG-29 có thể vận động trên không động tác "Rắn hổ mang".
Nhà sản xuất MAPO-MIG khẳng định rằng "Rắn hổ mang" cho phép MiG-29 tránh bị máy bay đối phương dẫn bắn vì tốc độ chậm của động tác này triệt tiêu hiệu ứng Doppler và do đó radar của đối phương không thể theo dấu MiG-29 được. Ngoài ra, nó cũng có thể được dùng để hướng mũi máy bay về phía đối phương nhanh và dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, bài bay này bị cấm tại các đơn vị thông thường và chỉ được thực hiện như một bài biểu diễn bởi những máy bay đặc biệt, cùng các phi công lão luyện nhất.
Một chiếc MiG-29 của Không quân Ba Lan
Vẫn được tiếp tục hiện đại hóa
Cả hai loại F-16 và MiG-29 liên tục được hiện đại hóa. Các hậu duệ cuối cùng của MiG-29 là chiếc máy bay đa nhiệm MiG-35, lần đầu tiên xuất hiện tại Triển lãm hàng không MAKS-2017.
MiG-35 là một phiên bản cơ bản mới, được trang bị radar Zhuk-A với khả năng quan sát lên đến 30 mục tiêu trên không, khoảng cách lên đến 200 km. Hệ thống điều khiển điện tử ba kênh cho phi công khả năng điều khiển nhẹ nhàng. Động cơ kiểu mới RD-33MK với vector 3 chiều, các cảm biến hiện đại, nhất là hệ thống ngắm bắn qua hệ thống mũ lái (HUD).
Tải trọng chiến đấu, dự trữ nhiên liệu, tuổi thọ động cơ so với phiên bản MiG-29A, B, C tăng gấp 2 lần, chi phí khai thác giảm 2,5 lần.
Phiên bản cuối cùng của chiếc F-16 ra đời tháng 10/2015 có tên gọi F-16V (hoặc Viper). F-16V được trang bị radar mảng pha điện tử chủ động (radar này được trang bị trên máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35).
Hệ thống điều khiển mới, khả năng tác chiến điện tử, hệ thống điều khiển hỏa lực, hệ thống chỉ thị mục tiêu trên mũ phi công, nhất là hệ thống liên kết dữ liệu, cho phép máy bay chia sẻ thông tin và phối hợp tác chiến với những máy bay chiến đấu thế hệ 5 như F-22 hay F-35. Một số quốc gia đã bày tỏ mong muốn hiện đại phi đội F-16C/D của họ lên phiên bản F-16V này.
Một chiếc F-16C của không quân Australia
Nhiều chuyên gia đánh giá F-16 và MiG-29 là hai loại máy bay có tính năng tương đương nhưng kết quả không chiến của MiG-29 thực sự không mấy ấn tượng. "Chiến công" duy nhất của MiG-29 là của Iraq khi bắn rơi chính đồng đội của mình vào đêm đầu tiên chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 và một MiG-29 của Cuba bắn rơi 2 máy bay thể thao hạng nhẹ Cessna.
Nói chung, khi tác chiến ngoài tầm nhìn, MiG-29 thua kém so với hầu hết chiến đấu cơ của NATO nhưng khi tác chiến tầm gần, MiG-29 có lợi thế vượt trội so với các đối thủ của mình.
Hiện nay, những quốc gia trang bị MiG-29 từ thời Liên Xô đã dần đưa loại máy bay này ra khỏi biên chế và chính phủ Nga đang nỗ lực tìm khách hàng cho MiG-35 (hậu duệ của MiG-29). Dây chuyền sản xuất F-16 cũng tạm đóng vì không có khách hàng mới.
Nhưng những phiên bản sửa đổi của 2 loại máy bay này sẽ còn tiếp tục kéo dài hơn một thập kỷ tiếp theo trong các lực lượng không quân các nước trên thế giới./.
Không quân Ba Lan huấn luyện tiêm kích F-16 đánh quần vòng với MiG-29
No comments:
Post a Comment