Truyền thông phương Tây dẫn một báo cáo mới của Lầu Năm Góc cho biết, các máy bay ném bom của Trung Quốc dường như đang thực hành tấn công thọc sâu vào một số khu vực ở Tây Thái Bình Dương, trong đó có Guam, Philippines và Nhật Bản.
Điều đáng nói là, theo bản báo cáo, quân đội Trung Quốc đang có sự biến chuyển ở nhiều mặt. Trong bài viết trên National Interest, nhà phân tích Michael Peck cho rằng đây là những dấu hiệu không nên bị xem nhẹ.
1. Xây dựng lục quân linh hoạt hơn
Hãy quên chiến lược biển người của Trung Quốc thời Chiến tranh Lạnh đi. Lực lượng lục quân lớn nhất thế giới này đang chuyển mình từ học thuyết tổ chức các chiến dịch quy mô quân đoàn sang mô hình cơ động bằng tiểu đoàn và lữ đoàn như của phương Tây (và Nga hiện nay).
"Mỗi đạo quân ngày nay gồm nhiều lữ đoàn vũ trang kết hợp, như 1 lữ đoàn pháo binh, 1 lữ đoàn phòng không, 1 lữ đoàn lính đặc nhiệm, 1 lữ đoàn không quân lục quân, 1 lữ đoàn phòng hóa và kỹ thuật, 1 lữ đoàn hậu cần" - báo cáo viết.
"Lữ đoàn hỗ trợ cấp dưới có nhiệm vụ giúp thiết lập mạng lưới chỉ huy, tổ chức các chuyến vận tải chiến trường và sửa chữa trang thiết bị cho các đơn vị chiến thuật".
2. Xây dựng lực lượng công nghệ cao
Quân đội Trung Quốc tập dượt cho lễ duyệt binh năm 2015. Ảnh: Xinhua
Lục quân Trung Quốc đang có trong tay những khả năng khiến cho họ trở nên đáng gờm hơn những gì mà các con số thể hiện.
Năm 2017 đã ghi nhận sự gia tăng về cả lượng và chất ở các hệ thống phòng không, pháo binh, phòng hóa, kỹ thuật và hỗ trợ bảo dưỡng của Lục quân Trung Quốc.
Bằng cách cung cấp cho các chỉ huy mạng lưới bảo vệ lực lượng có hệ thống, khả năng tấn công bằng hỏa lực, khả năng do thám và chống đỡ, chương trình hiện đại hóa có chọn lọc đã cho phép quân đội Trung Quốc chuyển mình sang mô hình tác chiến theo tiểu đoàn và lữ đoàn.
3. Dần trở thành lực lượng liên hợp
Trong khi quân đội Mỹ đã quen với các chiến dịch bộ-không-biển kết hợp thì quân đội Trung Quốc có truyền thống lấy lục quân làm trung tâm, còn không quân và hải quân có vai trò hỗ trợ.
Tuy nhiên hiện nay, Trung Quốc đang tái cơ cấu lực lượng vũ trang thành một lực lượng liên hợp có khả năng tiến hành các chiến dịch kết hợp.
Các cuộc tập trận kết hợp cũng trở nên phổ biến hơn trong quân đội Trung Quốc, mạng lưới thông tin liên lạc mới giúp sự phối hợp giữa các lực lượng trở nên dễ dàng hơn.
4. Phát triển nhiều biện pháp đối phó hệ thống phòng thủ tên lửa
Tên lửa đạn đạo DF-26 của Trung Quốc. Ảnh: Sina
Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, Trung Quốc đang phát triển các biện pháp đối phó để cho phép tên lửa đạn đạo của họ xuyên thủng được lá chắn tên lửa của Mỹ và đồng minh.
Trong đó phải kể đến các đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập, mồi bẫy, thiết bị gây nhiễu, cản sóng radar, lá chắn nhiệt, các phương tiện bay siêu vượt âm…
Chính phủ Trung Quốc cũng muốn đảm bảo quyền kiểm soát đối với vũ khí hạt nhân. Vì thế, PLA có vẻ sẽ tiếp tục triển khai các hệ thống C2 (command and control) tinh vi hơn và nâng cấp các quy trình C2 trong bối cảnh số lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SSBN) đang gia tăng.
5. Phát triển lực lượng máy bay không người lái nguy hiểm
"Trong năm 2017, các đại diện ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc tuyên bố sẽ phát triển các loại UAV tàng hình, tầm xa và có thể hoạt động ở rìa không gian. PLA sẽ sớm tiếp nhận UAV Xianglong với khả năng hoạt động tầm xa và tầm cao" – Lầu Năm Góc cho hay.
6. Ngân sách quốc phòng gấp gần 15 lần Đài Loan
"Chi tiêu quân sự của Đài Loan vẫn chỉ chiếm khoảng 2% GDP", báo cáo của Lầu Năm Góc viết, "Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn gần đây đã kêu gọi tăng ngân sách quốc phòng lên mức ít nhất là ngang bằng với tốc độ phát triển kinh tế toàn diện, trong đó không bao gồm các khoản chi phí đặc biệt dành cho các chương trình mua sắm quốc phòng quy mô lớn.
Trong khi đó, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng gấp 15 lần Đài Loan, với phần lớn tập trung cho việc phát triển các khả năng cần thiết để thu hồi Đài Loan bằng vũ lực".
7. Quân đội Trung Quốc ngày càng bành trướng
Lễ khai trương căn cứ quân sự mới của Trung Quốc ở Djibouti. Ảnh: VOA News
"Tháng 8/2017, Trung Quốc chính thức đưa vào hoạt động căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài (Djibouti), đồng thời triển khai một đại đội lính thủy đánh bộ và các trang thiết bị khí tài đến căn cứ này.
Có vẻ Trung Quốc sẽ tìm cách xây dựng thêm các cơ sở hậu cần quân sự tại Djibouti thông qua mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa hai phía" – Báo cáo của Lầu Năm Góc cho hay.
No comments:
Post a Comment