Trong khuôn khổ Diễn đàn Kỹ thuật Quân sự Quốc tế (Army-2018) ở thành phố Kubinka ngoại ô Moscow, xe tăng T-90M, T-80BVM, xe chiến đấu bộ binh BMP-1AM Basurmanin, tổ hợp phòng không ZU-23M Sparka và xe tấn công siêu nhẹ Eskadron lần đầu tiên đã tham gia vào các trận đánh mang tính trình diễn.
Theo ý kiến của các chuyên gia, những mẫu vũ khí và khí tài quân sự sau đây trưng bày tại gian hàng "Quân đội Nga – Ngày mai" nhận được nhiều sự quan tâm.
Xe tăng T-14 Armata
Mặc dù Bộ Quốc phòng Nga không vội vàng mua sắm cỗ máy thiết giáp chiến đấu tiềm năng này nhưng các chuyên gia vẫn đánh gia rất cao các tính năng chiến đấu của Armata. Họ cho rằng nó vượt trội khoảng 15-30% các tính năng kỹ thuật so với những mẫu tăng thiết giáp tương tự của nước ngoài.
Thêm vào đó, các kỹ sư Nga đã tuyên bố về sự sẵn sàng lắp đặt trên Armata khẩu pháo cỡ nòng 152 mm.
Các xe tăng T-14 Armata lần đầu tiên trong lịch sử ngành chế tạo xe tăng thế giới có tháp pháo độc lập và khoang chống đạn dành cho tổ lái. Ngoài khả năng phòng vệ thụ động và chủ động ở mức độ cao nhất, chúng còn sở hữu tính cơ động cao, khả năng hoạt động trên mọi địa hình và hỏa lực mạnh.
Hiện nay Bộ Quốc phòng Nga đã đặt hàng 100 chiếc xe tăng này để khai thác thử nghiệm chiến đấu.
Tuy nhiên, các nước trên thế giới có vẻ như không lo sợ trước sự xuất hiện của Armata. Các khẩu pháo 140 mm mà theo ý kiến của các chuyên gia NATO có thể "xử đẹp" Armata đang được chế tạo với một tốc độ cấp tập.
Các cuộc thử nghiệm cho thấy rằng loại đạn dành cho pháo 140 mm mới hoàn toàn có khả năng xuyên phá lớp thiết giáp dày tới 100 mm. Các loại pháo 140 mm được chế tạo tại Thụy Sĩ (công ty RUAG), tại Mỹ (pháo XM291), tại Đức (công ty Rienmetall).
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata tham gia lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng tại Moscow năm 2015. Ảnh: Army Recognition
Xe thiết giáp Boomerang
Boomerang là chiếc xe thiết giáp bánh hơi hạng trung do Công ty TNHH Công nghiệp Quân sự (Nga) nghiên cứu chế tạo. Lần đầu tiên nó được trình làng tại cuộc triển lãm Russia Arms EXPO vào năm 2013.
Như Tổng giám đốc Công nghiệp Quân sự Nga, ông Alexandr Krasovitzky chia sẻ "chúng tôi sẽ bàn giao các cỗ máy này đúng hạn cho khách hàng. Nó được trang bị rất nhiều thiết bị mới mà tôi không thể chia sẻ chi tiết. Nhưng khách hàng sẽ tiếp nhận chiếc xe này đúng với những tính năng được nêu trong hồ sơ kỹ thuật".
Theo lời ông Krasovitzky, tất cả những tính năng của Boomerang vượt nhiều lần so với các xe chiến đấu bọc thép khác. Người ngồi trong xe được bố trí thỏa mái hơn, phần đầu xe được lắp đặt hệ thống dẫn động thủy lực, vỏ bọc thép tích hợp nhiều lớp.
Ông Alexandr Krasovitzky khẳng định, Boomerang là cỗ máy đời khác hẳn. Nó như một "ngôi nhà thông minh" – có thể tự lái đến, tự thực hiện nhiệm vụ còn người ngồi bên trong cảm nhận được sự thoải mái và thích thú với công việc của mình.
BTR bánh lốp hạng trung "Boomerang" trong thời gian diễn tập Duyệt binh mừng Chiến thắng ở ngoại ô Matxcơva. Ảnh: Sputnik
Tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M3
Tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M3 là loại tầm trung, chuyên tiêu diệt các mục tiêu khí động lực và những tên lửa đạn đạo chiến thuật.
"Những khác biệt chính của Buk-M3 so với các phiên bản đời trước ở chỗ, tổ hợp này hoàn toàn được chuyển sang một nền tảng mới", Phó giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ, ông Constantin Makienko chia sẻ.
Theo lời ông Makienko, khu vực tiêu diệt mục tiêu của Buk-M3 được mở rộng hơn rất nhiều, khả năng chống nhiễu cũng được tăng cường, số lượng các tên lửa phòng không điều khiển trên các bệ phóng tự hành tăng lên và chúng được bố trí trong các khoang phóng-vận chuyển, giúp cho những tính năng như bảo toàn và bảo dưỡng kỹ thuật được cải thiện.
Tổ hợp tên lửa phòng không "Buk-M3" được bàn giao cho quân đội vào năm 2016.
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Buk-M3. Ảnh: Army Recognition
Tổ hợp pháo phòng không tự hành Derivatzia-PVO
Lần đầu tiên, sự tồn tại của tổ hợp pháo phòng không tự hành 2S38 Derivatzia-PVO được công bố tại Diễn đàn Kỹ thuật Quân sự Quốc tế Army-2017. Derivatzia-PVO sử dụng khung xe bọc thép chiến đấu bộ binh bánh xích BMP-3 và module chiến đấu chuyên dụng với khẩu pháo tự động 57 mm.
Tổ hợp pháo phòng không tự hành mới được trang bị các thiết bị theo dõi và phát hiện mục tiêu thụ động. Bên cạnh đó, nó có thể tiêu diệt các máy bay, trực thăng, thiết bị bay không người lái và tên lửa hành trình với khả năng chính xác cao. Ngoài những tính năng nói trên, Derivatzia-PVO còn sở hữu khả năng triển khai hỏa lực nhằm vào các mục tiêu trên mặt đất.
Vũ khí chủ lực của tổ hợp pháo phòng không tự hành 2S38 Derivatzia-PVO là khẩu pháo tự động tối tân 57 mm với 148 viên đạn nạp tự động. Nó có thể được kết nối với hệ thống điều khiển hỏa lực. Các góc dẫn hướng của module chiến đấu theo chiều ngang là 360 độ, theo chiều dọc dao động từ -5 độ cho tới 75 độ.
Khẩu pháo 57 mm có tốc độ bắn 120 phát/phút. Vũ khí bổ sung của module chiến đấu mới này là súng trung liên và súng phóng lựu đạn khói. Module chiến đấu của tổ hợp pháo phòng không tự hành Derivatzia-PVO hoàn toàn hoạt động độc lập.
Tổ hợp pháo phòng không tự hành 2S38
Xe chiến đấu bộ binh Kurganets-25
Kurganets-25 là tổ hợp chiến đấu hạng trung do tập đoàn Các nhà máy chế tạo máy kéo nghiên cứu chế tạo. Nó được cho là sẽ thay thế các xe chiến đấu bộ binh BPM và xe thiết giáp vận tải hạng nhẹ đa năng MT-LB đang được các đơn vị cơ giới sử dụng.
Đặc điểm khác biệt của nó là cấu hình cao một cách khác thường. Chính vì những lý do đó mà một vài chuyên gia quân sự gọi cỗ máy chiến đấu bọc thép này là "ước mơ của lính phóng lựu đạn".
Kurganets-25 được trang bị module chiến đấu điều khiển từ xa với khẩu pháo 2A42 30 mm và khẩu súng trung liên 7,62 mm. Hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại cho phép sử dụng các loại đạn được lập trình kích nổ từ xa.
Xe chiến đấu bộ binh Kurganets-25. Ảnh: Army Recognition
Trong tương lai, người ta dự kiến sẽ lắp đặt module chiến đấu trang bị khẩu pháo 57 mm. Ngoài ra, Kurganets-25 được trang thêm 4 bệ phóng tên lửa chống tăng Kornet.
Trước đó, Tổng biên tập tạp chí "Kho vũ khí quốc gia" (Nga), ông Victor Mukharovsky từng chia sẻ rằng dù những phẩm chất vượt trội của Kurganetz-25, Nga vẫn chưa quyết định triển khai sản xuất hàng loạt cỗ máy chiến đấu tiềm năng này.
Thậm chí quyết định này còn liên quan tới không chỉ Kurganets-25, mà cả toàn bộ dòng xe thiết giáp thế hệ mới của Nga gồm T-14 Armata, BTR Boomerang và cả một loạt hệ thống pháo và pháo phản lực bắn loạt.
Theo chuyên gia Mukharovsky, nhiều khả năng đó là quyết định đúng đắn. Thứ nhất, các khoản chi cho việc tái trang bị vũ trang cho Lục quân trong chương trình vũ khí quốc gia mới của Nga bị cắt đi đáng kể.
Thứ hai, những kẻ địch giả định hiện nay chưa tiến hành tái trang bị khí tài thiết giáp cho các đơn vị xe tăng của mình.
Thứ ba, hiện nay Lục quân Nga cần không ít khí tài đã được thử lửa chiến đấu, với dây chuyền sản xuất hàng loạt đã được triển khai để trang bị cho những đơn vị mới thành lập.
Phát biểu tại Lễ khai mạc Diễn đàn Kỹ thuật Quân sự Quốc tế Army-2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết "chương trình đa dạng của Diễn đàn một lần nữa chứng tỏ một cách thuyết phục tiềm lực của các nhà sản xuất vũ khí Nga".
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata được trưng bày tại Triển lãm quân sự quốc tế Army 2018
No comments:
Post a Comment