Tiêm kích Su-37 bay thử cực bí mật
Cách đây 21 năm, vào tháng 8 năm 1997, tại sân bay quân sự ở TP Zukovski, ngoại ô Moskva lần đầu tiên diễn ra Triển lãm hàng không vũ trụ Moskva - MAKS 1997.
Và đến nay cứ 2 năm một lần tại đây diễn ra sự kiện này cho những ai yêu máy bay và bầu trời. Người viết còn nhớ mình đã rất háo hức khi được đến tham gia sự kiện hàng không đình đám này.
Triển lãm MAKS năm đó đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của không chỉ các hãng truyền thông lớn trên thế giới cùng hàng triệu người quan tâm mà còn khiến các chuyên gia quân sự phương Tây theo dõi rất sát sao bởi có sự xuất hiện của một chiếc chiến đấu cơ siêu hiện đại của Nga - tiêm kích Su-37.
Nó được đánh giá là sát thủ trên không, là mối đe dọa chết người đối với bất cứ chiếc tiêm kích phương Tây nào nếu không may phải đối mặt vì thế, đây là cơ hội hiếm có để các chuyên gia quân sự phương Tây tìm hiểu về đối thủ của họ trong tương lai.
Trước đó từ 1993 Nga đã cho bay thử tiêm kích Su-37 ở một địa điểm cực kỳ bí mật và phải mãi tới khoảng năm 1996 mới xuất hiện một số hình ảnh và clip công khai về mẫu tiêm kích Su-37 tối tân này.
Phương tây sửng sốt, sốc và lo sợ
Về cơ bản, tiêm kích Su-37 vẫn dựa trên khung sườn của dòng tiêm kích Su-27 đình đám vốn đã và đang khiến phương Tây lo sợ vào lúc đó.
Đập vào mắt khách tham quan là màu đỏ camo "Sa mạc" với các nét góc cạch rất ấn tượng lần đầu tiên xuất hiện trên các máy bay của Nga (Xô Viết). Tiếp nữa là 2 cánh ổn định trước, cũng là một "phát minh" của dòng tiêm kích Su.
Ban đầu người Nga đã có ý tưởng về việc trang bị động cơ OVT (thay đổi vectơ dòng khí đẩy) cho Su-37 nhằm tạo ra một cuộc cách mạng trong chế tạo máy bay tiêm kích. Tuy nhiên, vào năm 1997, Nga vẫn chưa lắp loại động cơ đó lên chiếc Su-37 duy nhất này.
Năm 1997 lần đầu tiên ở MAKS các nhà báo, tùy viên quân sự phương Tây được vinh hạnh đến thăm một sân bay quân sự của Nga thuộc diện "Tối mật - Top Secret" ở một thành phố vốn cấm hoàn toàn người nước ngoài được đến từ hồi Liên Xô, nơi mà có đến 3 lớp hàng rào gồm dây thép gai, điện và mìn.
Tiêm kích Su-37 bay thử nghiệm.
Trong chương trình biểu diễn bay hôm đó tại MAKS 1997, chiếc tiêm kích Su-37 có số đuôi là 711 đã tung cánh và biểu diễn những động tác bay mà đối với khán giả gồm cả người Nga và các nhà báo phương Tây trong đó có cả tôi đã từng học và lái máy bay cũng sửng sốt và sốc đến không hiểu nổi.
Trong tiếng rít đến rung lồng ngực của 2 động cơ phản lực có lực đẩy 14500 kg mỗi chiếc, tiêm kích Su-37 đã thực hiện những động tác "không tưởng" như rắn hổ mang "Cobra", thắt vòng cơ động bán kính rất nhỏ, thắt vòng chiến đấu gấp, ngoặt nhanh, quay đầu 360 độ trên mặt phẳng ngang.
Ngoài ra, Su-37 còn thể hiện một trong những động tác bay cực khó nữa là nâng mũi ở góc tấn cực đại và tốc độ gần bằng 0 (có cảm giác máy bay đứng yên tại chỗ). Đặc biệt là trong động tác này máy bay chỉ bị mất độ cao từ 100 đến 300m.
Trong chế độ không đối đất/đối hải, radar trên tiêm kích Su-37 có thể phát hiện mục tiêu xe tăng cách 40-50km, mục tiêu tàu khu trục cách 80-120km.
Các động tác bay thao diễn cơ động siêu đẳng với tên gọi "Quả chuông", "Cobra" đã gây ra những hiệu ứng phấn khích và những tiếng trầm trồ, la hét, reo hò của người xem ở dưới, trong đó có tôi.
Chắc chắn, trong tương lai, nếu nó được trang bị hàng loạt cho Không quân Nga thì phương Tây nên lo sợ dần đi là vừa bởi Su-27 vẫn còn đang bá chủ bầu trời thì chắc chắn Su-37 sẽ còn khủng khiếp hơn.
Tuy nhiên, tiếc là phiên bản thử nghiệm tuyệt vời của ngành chế tạo máy bay quân sự của Nga đã không đi đến đích. Nó đã phục vụ hết mình và bị phá hủy vào năm 2003 trong một tai nạn không mong muốn.
Những công nghệ được phát triển trên Su-37 đã được các công trình sư của Sukhoi ứng dụng lên các dòng tiêm kích tối tân kế tiếp như Su-30SM, Su-34, Su-35,... trang bị rộng rãi cho Không quân Nga và xuất khẩu ra nước ngoài.
Tiêm kích Su-37 số hiệu 711 biểu diễn.
No comments:
Post a Comment