Tên lửa Tomahawk luôn đóng vai trò mở màn quan trọng mỗi khi Mỹ muốn tuyên chiến hoặc tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu tại một quốc gia nào đó. Vì vậy, nó được ví là "Sứ giả chiến tranh" trong tất cả các cuộc chiến mà quân đội Mỹ tham gia suốt gần ba thập kỷ qua.
Vũ khí mang tính bước ngoặt
Các chuyên gia quân sự đánh giá tên lửa hành trình tiến công mặt đất Tomahawk (Tomahawk Land Attack Missile - TLAM) là thứ vũ khí mang tính bước ngoặt thay đổi quy luật của chiến tranh hiện đại.
Trước khi xuất hiện Tomahawk, không quân và bộ binh Mỹ từng phải chịu những tổn thất nặng nề về người và phương tiện trong các cuộc chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam.
Với tầm bắn xa và mức độ chính xác cao của Tomahawk, chỉ cần ngồi một nơi an toàn, cách xa chiến trường và phóng tên lửa Tomahawk là có thể phá hủy mục tiêu.
Với hàng trăm quả Tomahawk được phóng liên tiếp trong những ngày đầu cuộc chiến, tiêu diệt hoặc làm tê liệt các mục tiêu quan trọng có giá trị cao, khi đối phương không còn khả năng chống trả, thì các lực lượng Mỹ và đồng minh mới vào cuộc giải quyết chiến trường một cách dễ dàng.
Trong ba thập kỷ qua, Tomahawk đã giúp phá vỡ cánh cửa mạng lưới phòng không từ Iraq đến Libya, nó đã trở thành một vũ khí yêu thích, có ảnh hưởng chính trị đối với một số đời tổng thống Mỹ.
Với tầm quan trọng như vậy, nhưng ít ai biết rằng tên lửa Tomahawk chút nữa đã bị Liên Xô bức tử trong hiệp định giải trừ quân bị giữa Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh Lạnh. Điều gì xảy ra nếu Mỹ khi đó chấp nhận hủy bỏ TLAM trong các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí với Liên Xô?
Tên lửa hành trình Tomahawk
Từ bom bay V-1 đến tên lửa hành trình Tomahawk
Tên lửa hành trình đã được phát xít Đức đưa vào sử dụng từ Thế chiến 2 với tên gọi bom bay V-1. Tuy nhiên, do hạn chế về công nghệ lúc bấy giờ, tên lửa hành trình đã không thể phát huy hết khả năng và bộc lộ những điểm yếu như: dễ bị lực lượng phòng không đối phương bắn hạ, tầm bắn hạn chế, mức chính xác thấp, độ tin cậy không cao.
Sau Thế chiến 2, Mỹ và Liên Xô đã tích cực đầu tư để phát triển tên lửa hành trình nhưng chỉ khi thấy những thiệt hại quá lớn về máy bay và số lượng phi công trong chiến tranh Việt Nam, người Mỹ mới nghiêm túc trong đầu tư phát triển tên lửa hành trình và kết quả là tên lửa Tomahawk ra đời.
Tomahawk là loại đạn tự hành, sử dụng một lần, ký hiệu BGM-109 với nhiều biến thể (phóng từ mặt đất, trên không và tàu hải quân), có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, có tầm bắn xa, độ cao bay hành trình rất thấp nên rất khó bị phát hiện bằng radar. Do vậy, tên lửa khả năng sống sót cao.
Do có độ chính xác cao, giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ, nên tên lửa Tomahawk thường được dùng để khai hỏa các cuộc chiến.
Mục tiêu tiến công của tên lửa Tomahawk là các địa chỉ quân sự, chính trị, kinh tế quan trọng của đối phương như trung tâm chỉ huy, đài radar, trận địa tên lửa phòng không, kho trạm, cầu cống theo kiểu tấn công "phẫu thuật", mục đích là để loại bỏ, làm tê liệt hoặc rối loạn hệ thống chỉ huy, tạo điều kiện cho các lực lượng khác bước vào chiến đấu.
Với công nghệ dẫn đường phức tạp, nhất là công nghệ so sánh địa hình sử dụng bản đồ số, cho nên tên lửa có mức chính xác rất cao. Trong suốt một thời gian dài, đây là công nghệ độc quyền của người Mỹ.
Mấy thập kỷ vừa qua, Mỹ thường xuyên sử dụng tên lửa Tomahawk và nó đã trở thành biểu tượng sức mạnh của quân đội Mỹ. Ra mắt lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Hải quân Mỹ từ các tàu nổi và tàu ngầm đã bắn 288 quả Tomahawk vào các mục tiêu của Iraq với độ chính xác đáng kinh ngạc.
Kể từ cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất, Tomahawks đã xuất hiện trong hầu như tất cả các cuộc xung đột mà Mỹ tham gia.
Tomahawk có thể phá hủy các mục tiêu từ cách xa hàng nghìn km, nhưng không có rủi ro thiệt hại về phi công và nó đã trở thành "tin nhắn" răn đe với những chính quyền nào không chịu nghe theo Mỹ. "Ngoại giao tên lửa" đã trở thành ngôn từ viết tắt của việc chính quyền Mỹ sử dụng Tomahawk để đe dọa các quốc gia khác.
Tên lửa hành trình Tomahawk được phóng đi từ tàu ngầm USS John Warner trong cuộc tập kích vào Syria ngày 13/4/2018
Tomahawk suýt bị "bức tử" trong Hiệp ước INF
Trong thập niên 1980, cả Liên Xô và Mỹ đều tập trung phát triển các loại tên lửa tầm trung (OTR). Mặc dù có tầm bắn ngắn nhưng tốc độ cao của OTR khiến thời gian phản ứng của đối phương bị suy giảm rõ rệt. Cả hai quốc gia đã ngày càng lo lắng về những rủi ro leo thang, do sự nguy hiểm của các tên lửa như Pershing-2 của Mỹ và SS-20 Sabre của Liên Xô.
Cùng với việc triển khai ồ ạt tên lửa Pershing-2 trên lãnh thổ châu Âu, Mỹ còn triển khai một số lượng lớn tên lửa Tomahawk phiên bản phóng trên mặt đất (BGM-109G). Đây là biến thể quan trọng nhất của Tomahawk và loại tên lửa này đã gây ra mối lo ngại đối với các lực lượng phòng không Xô Viết cũng như khối quân sự Warszawa.
Năm 1987, Liên Xô và Mỹ ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân tầm trung (INF), đồng ý cùng loại bỏ, không tiếp tục phát triển các hệ thống tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km.
Cùng với Pershing-2, BGM-109G cũng bị diện đưa vào "khai tử". Tuy nhiên, các nhà đàm phán Mỹ đã phản đối việc hủy bỏ phiên bản Tomahawk phóng từ tàu chiến (TLAM). Liên Xô lúc này phải chấp nhận bởi vì họ không có loại tên lửa nào tương tự như Tomahawk, nhưng được phóng từ tàu nổi hoặc tàu ngầm để làm vũ khí tương đương để hủy bỏ.
Chính vì vậy, TLAM đã thoát khỏi án "tử" và đem lại cho Hải quân Mỹ một lợi thế tấn công thông thường rất lớn sau này.
Như vậy, phiên bản Tomahawk phóng từ mặt đất bị hủy bỏ nhưng phiên bản phóng từ tàu chiến được giữ lại và trở thành một trong những vũ khí cốt lõi của Hải quân Mỹ trong thời kỳ hậu chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, nếu nội dung cuộc đàm phán khác đi, có thể Hải quân Mỹ đã mất đi thứ vũ khí tấn công tầm xa hàng đầu của họ.
Thủ đô Bagdad của Iraq bị tiến công bằng tên lửa Tomahawk trong cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất (1991)
Giải pháp thay thế
TLAM đã lấp đầy một khoảng trống quan trọng về vũ khí tiến công tầm trung của Mỹ, khiến cho Hải quân nước này có khả năng tấn công mạnh mẽ mà không làm mất máy bay và phi công.
Nhưng nếu giả sử các nhà đàm phán Mỹ thất bại trước Liên Xô trong đàm phán INF, chấp nhận hủy bỏ TLAM, thì rất có thể hải quân Mỹ đã cố gắng lấp đầy khoảng trống này bằng máy bay ném bom tàng hình A-12 Avenger (phiên bản B-2 Mini cất cánh từ tàu sân bay).
Tuy nhiên, chương trình phát triển chiếc A-12 đã bị hủy bỏ sau chiến tranh Lạnh, một phần vì chi phí vượt quá và các vấn đề thiết kế, nhưng cốt lõi là hải quân Mỹ sở hữu tên lửa Tomahawk, có thể hoàn thành nhiệm vụ tương tự.
Nếu chương trình phát triển chiếc A-12 thành công, nó có thể đã thực hiện nhiều nhiệm vụ tương tự như tên lửa Tomahawk, mặc dù có nguy cơ mất phi công và máy bay.
Ngoài ra, nếu không có Tomahawk, không quân Mỹ chắc chắn sẽ phải tăng gấp đôi số lượng máy bay ném bom tàng hình B-2 (có giá đắt hơn nhiều so với TLAM) và rất có thể không quân Mỹ sẽ đẩy nhanh tiến độ phát triển máy bay ném bom chiến lược có khả năng thâm nhập sâu vào không phận của đối phương như chiếc B-21 Raider hiện nay.
Căn cứ không quân Shayrat của Syria bị tên lửa tiến công ngày 7/4/2017
Trong trường hợp không có B-2 hoặc A-12 và Tomahawk, các cuộc tấn công vào không phận có lực lượng phòng không mạnh sẽ giống như trong chiến tranh Việt Nam. Mỹ sẽ phải dùng nhiều loại máy bay khác nhau cho cùng một nhiệm vụ và nguy cơ bị mất máy bay và phi công là không thể tránh khỏi.
Với các loại hỏa lực mặt đất và mặt biển, nếu không có tên lửa Tomahawk, quân đội Mỹ cũng phải tập trung phát triển các loại pháo binh tầm xa và pháo hạm.
Mặc dù có tầm bắn không bằng tên lửa Tomahawk, nhưng các hệ thống pháo phản lực bắn đạn có điều khiển của Lục quân và pháo hạm tầm xa LRLAP trên tàu khu trục Zumwalt sẽ giúp thu hẹp khoảng cách với tên lửa Tomahawk. Tuy nhiên những vũ khí trên không thể sánh với tên lửa Tomahawk được.
Với những ưu điểm về mức độ chính xác, lại không có rủi ro về con người, mặc dù có thể là tốn kém, tên lửa Tomahawk vẫn là biểu tượng sức mạnh quân sự của Mỹ sau chiến tranh Lạnh. Đây cũng là đặc trưng chính sách quân sự của Mỹ kể từ những năm 1990.
Và nếu không có Tomahawk trong kho vũ khí của mình, chưa chắc Mỹ đã dám xung kích đi đầu can thiệp vào các cuộc xung đột trên toàn thế giới như trong những thập kỷ vừa qua./.
Mỹ phóng tên lửa Tomahawk tấn công Syria ngày 14/4
No comments:
Post a Comment