Sau khi hình ảnh về phương tiện đặc biệt trên xuất hiện, nó ngay lập tức tạo ra một làn sóng bình luận sôi nổi trong cộng đồng cư dân mạng Trung Quốc, vì nhìn bề ngoài thì các ống phóng tên lửa trên xe có kích thước và chiều dài lớn hơn loại dùng cho tổ hợp tên lửa phòng không tầm cao HQ-9.
Một trong những phương án được nhắc tới đó là phải chăng Trung Quốc đã chế tạo thành công một bản sao của hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf mà Nga mới bàn giao cách đây ít lâu?
Cần lưu ý rằng dựa trên những tổ hợp S-300 mà Nga cung cấp hồi thập niên 1990 và kết hợp với thành tựu công nghiệp quốc phòng nội địa, Bắc Kinh đã nhanh chóng cho ra đời hệ thống HQ-9 được xem như họ hàng xa với S-300. Chính vì vậy cho nên nghi ngờ trên không có gì là khó hiểu.
Xe mang phóng tự hành của tổ hợp tên lửa phòng không bí ẩn được nhìn thấy trên đường phố Trung Quốc
S-400 Triumf ban đầu dự kiến được phân loại bằng mã hiệu S-300PMU3 do nó chia sẻ rất nhiều công nghệ nguồn với những phiên bản cũ. Hệ thống được trang bị đạn đánh chặn 48N6E3 tầm bắn nối dài lên 250 km so với con số 195 km của 48N6E2.
Hiện tại tên lửa siêu xa 40N6 tầm bắn 400 km vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, cho nên có thể chắc chắn rằng những tổ hợp S-400 của Trung Quốc chưa có trong biên chế thứ vũ khí đáng sợ này. Tuy vậy công nghệ trên đạn 48N6E3 được cho là có thể giúp Bắc Kinh kéo dài tầm bắn của HQ-9.
Nếu nhận định trên là chính xác, rất có khả năng đây chính là xe mang phóng tự hành thuộc tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa HQ-9C nâng cấp, nó sử dụng loại đạn mới với phần thân kéo dài tương tự như cách mà Trung Quốc đã làm với HQ-16B để vươn tới cự ly xa hơn.
Tên lửa đánh chặn tầm siêu cao HQ-19 của Trung Quốc
Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến trên còn có phán đoán khác cho rằng đây không phải những ống phóng của HQ-9C mà chính là HQ-19 - tên lửa đánh chặn tầm siêu cao chức năng tương đương với THAAD của Mỹ mà truyền thông Trung Quốc từng đề cập tới.
Tổ hợp HQ-19 trong những lần thử nghiệm mới được tích hợp tạm lên một xe mang phóng tự hành chưa thiết kế chuyên biệt với chỉ duy nhất 1 đạn tên lửa trên mỗi xe, yếu tố này bị xem là chưa đáp ứng tốt yêu cầu chiến thuật vì sẽ phải huy động đội hình rất lớn khi thực hiện nhiệm vụ.
Giả thiết chiếc xe TEL trên thuộc về HQ-19 có vẻ nhận được nhiều sự đồng tình hơn, vì nếu là phiên bản tăng tầm của HQ-9 thì cũng chưa chắc đã phải nối dài phần thân mà chỉ yêu cầu tối ưu hóa quỹ đạo bay đi kèm với lắp đặt động cơ tiên tiến hơn như cách Nga đang triển khai.
Sẽ cần thêm một số thông tin cụ thể hơn nữa để có thể xác định thật chính xác vũ khí vừa xuất hiện của Trung Quốc thuộc chủng loại gì.
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 bắn đạn thật trong diễn tập
No comments:
Post a Comment