Sukhoi Su-22 , chiếc tiêm kích - bom bị Israel bắn rơi ngày 24/7 trên không phận Cao nguyên Golan, tuy thuộc dòng máy bay cũ được chế tạo từ thời Liên Xô nhưng nó đã từng là xương sống của không quân Syria.
Trước khi bị bắn hạ, chiếc máy bay này đã cất cánh từ căn cứ không quân T-4 cách Cao nguyên Golan hơn 200 km để thực thi sứ mệnh đánh bom các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gần giới tuyến ngừng bắn được Israel và Syria ký kết năm 1974.
Theo chuyên trang quốc phòng Janes 360, tại căn cứ không quân T-4 của Syria hiện đang có khoảng một phi đội Su-22 M-4.
SU-22 M-4 có thể bay với vận tốc 1.400 km/h, tầm hoạt động khoảng 2.200 km và là một trong 7 loại máy bay chiến đấu mà quân đội Syria có trong kho vũ khí của mình. Nó có thể được trang bị các tên lửa không đối không AA-2 Atoll, AA-8 Aphid và AA-11 Archer cũng như nhiều loại vũ khí khác.
Năm 1973, Syria đã tiếp nhận phiên bản đầu tiên của dòng máy bay này và sử dụng nó cho cuộc chiến tranh Yom Kippur, cũng cất cánh từ căn cứ không quân T4.
Căn cứ không quân T4 của Syria chụp từ vệ tinh
Theo tạp chí Mỹ The National Interest, năm 1979, Moscow đồng ý bán cho Damascus 40 chiếc Su-22M mới hơn. Sau đó, trong những năm 1980 Nga còn chuyển giao cho Syria một số biến thể cải tiến nữa nhưng Syria cũng đã để mất một số chiếc khi đối đầu với Israel trong cuộc chiến Lebanon năm 1982.
Đến năm 2010, không quân Syria chỉ còn khoảng 50 chiếc và phần lớn đều trong tình trạng cần phải được nâng cấp.
Tuy nhiên, kể từ khi cuộc nội chiến Syria bùng phát, Su-22, dù cũ kỹ vẫn trở thành lực lượng nòng cốt được Quân đội Syria sử dụng chống lại phiến quân, các phần tử nổi dậy và khủng bố IS.
Do các lực lượng này không có không quân và chỉ sở hữu rất ít vũ khí chống máy bay nên Su-22 có thể hoạt động gần như miễn nhiễm trước hỏa lực kẻ thù, nhiều tình huống chúng còn bay rất thấp để thả bom ở các thành phố.
Thế nhưng, khi phải đương đầu với những đối thủ "nặng ký" hơn thì số phận của Su-22 lại kết thúc theo một kịch bản rất khác. Su-22 đã từng bị bắn hạ trước đây tại Syria, gồm cả vụ bị Mỹ tiêu diệt ở phía Đông Syria khi nó đang thực thi một nhiệm vụ ném bom hồi tháng 6/2017.
Quân đội Israel cũng đã từng tấn công căn cứ T4 - nơi chứa các máy bay Su-22. Cụ thể, tháng 2/2018, đáp trả việc một máy bay không người lái (UAV) của Iran xâm nhập không phận, Israel đã tiến hành một loạt vụ không kích phá hủy T4.
Khi đó, các máy bay cũ kỹ Su-22 của Syria đã không thể ngăn chặn được đòn tấn công của Israel trang bị những vũ khí tiên tiến hơn. Trên thực tế, rất có thể Su-22 Syria đã không được vũ trang cho các sứ mệnh không chiến bởi phần lớn chúng chỉ được sử dụng để tấn công mục tiêu của các phần tử nổi dậy.
Tên lửa Patriot của Israel tấn công máy bay Syria ngày 24/7
No comments:
Post a Comment