Hệ thống thông tin tê liệt
Tạp chí Foreign Policy ngày 30/7 dẫn lời các quan chức và chuyên gia phân tích quân sự Mỹ cho biết, các binh lính của nước này triển khai ở Syria đang ngày càng phải tăng cường các biện pháp tự vệ để đối phó với các thiết bị tác chiến điện tử của Nga. Họ đánh giá những vụ tấn công như thế này có nguy cơ gây sát thương rất cao.
Nhiều chuyên gia có kinh nghiệm về tác chiến điện tử cho rằng, mức độ nguy hiểm của nó chẳng kém gì các vụ tấn công thông thường bằng bom và đạn pháo.
Đại tá Lục quân Mỹ Brian Sullivan đã kể lại một tình huống rất cụ thể với các phóng viên trong cuộc họp báo tại Bộ Quốc phòng Mỹ tuần trước. Ông nói, trong 9 tháng triển khai tham chiến ở Syria từ tháng 9/2017 - 5/2018, các binh lính Mỹ phải đương đầu với một môi trường tác chiến điện tử với tần suất dày đặc.
"Đó là một thách thức lớn nhưng chúng tôi cũng được trải nghiệm cơ hội hoạt động trong một môi trường mà ngay cả ở các trung tâm huấn luyện tác chiến tại Mỹ cũng không thể có", Sullivan cho biết. "Đặc biệt là tại Syria, nơi Quân đội Nga triển khai dày đặc các thiết bị tác chiến điện tử".
Sullivan không nói rõ hoạt động chế áp điện tử của Nga có tác động như thế nào tới đơn vị của ông nhưng các chuyên gia am hiểu lĩnh vực này nói rằng, một vụ tấn công như vậy có thể phá hủy mạng lưới thông tin, các hệ thống dẫn đường và thậm chí là cả máy bay chiến đấu.
Một nhóm binh sĩ Mỹ theo dõi giới tuyến đình chiến trong chuyến tuần tra tại Manbij, Syria ngày 24/6. Ảnh: Lục quân Mỹ
"Các hệ thống thông tin ngay lập tức dừng hoạt động. Bạn không thể điều hỏa lực ứng phó hoặc không thể phát tín hiệu báo động đang bị tấn công vì radar của bạn đã bị chế áp. Hậu quả là chúng bị tê liệt, không thể phát hiện được bất cứ thứ gì", Đại tá Lục quân Mỹ đã nghỉ hưu Moe Buckhout đồng thời cũng là một chuyên gia về tác chiến điện tử cho biết.
"Nó thậm chí gây ra mức độ sát thương còn lớn hơn cả tấn công bằng động lực vì nó chế áp khả năng tự bảo vệ của đối tượng bị tấn công".
Nga "kiểm tra" Mỹ hàng ngày
Kể từ sau vụ tấn công khủng bố 11/9, binh lính Mỹ tham chiến tại Iraq, Afghanistan và nhiều nơi khác phần lớn đều đã phải đối phó với các lực lượng phi truyền thống nhưng chưa phải chống trả hoạt động tác chiến điện tử.
Nhưng Syria lại là một chiến trường khác. Với mật độ đông đảo các lực lượng Nga, Iran, Syria và đôi khi là cả Israel nên chỉ cần một tín hiệu liên lạc nhầm lẫn cũng có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện.
Daniel Goure, chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc gia và quân sự tại Viện Lexington cho biết, các hệ thống tác chiến điện tử mới của Nga rất tinh vi và phức tạp. Chúng có thể được bố trí trên các xe quân sự cỡ lớn hoặc máy bay và có thể phá hỏng các mục tiêu từ khoảng cách hàng trăm dặm.
Máy bay tác chiến điện tử EC-130 Compass Call. Ảnh: BQP Mỹ
"Vấn đề nguy hiểm của tác chiến điện tử nằm ở chỗ, nó có thể đảo lộn hình ảnh không gian tác chiến, bức tranh hoạt động của bạn, và do vậy rất dễ dẫn tới những tính toán sai lầm khủng khiếp", Goure nói. "Hoạt động tác chiến điện tử đang leo thang và đó là điều không cần phải bàn cãi".
Nhiều nhà phân tích cho rằng Nga đang sử dụng Syria nhưng một chiến trường thử nghiệm các vũ khí điện tử mới mà Moscow đã tập trung phát triển trong suốt 10-15 năm qua nhằm đối phó với ưu thế của NATO trong lĩnh vực vũ khí thông thường.
Cuộc xung đột tại Syria cũng đã mang đến cho Nga cơ hội nghiên cứu cách thức đối phó với tấn công điện tử của những hệ thống tân tiến mà Mỹ đang trang bị.
Hồi đầu năm 2018, tướng Raymond Thomas, Chỉ huy Bộ tư lệnh Các chiến dịch Đặc biệt Mỹ từng nhận xét: "Syria đã trở thành môi trường tác chiến điện tử quyết liệt nhất trên Trái Đất".
Phát biểu trong một hội nghị tại Florida tháng 4/2018, tướng Thomas nói: "Ngay lúc này, tại Syria, chúng ta đang hoạt động ở một môi trường tác chiến điện tử hung hăng nhất hành tinh, do các đối thủ của chúng ta tiến hành. Họ kiểm tra chúng ta hàng ngày, chế áp các hệ thống thông tin và vô hiệu hóa các máy bay EC-130 của chúng ta...".
Video giới thiệu máy bay tác chiến điện tử EC-130H Compass Call
No comments:
Post a Comment