Thông tin trên được đại diện của công ty nói với cổng thông tin Rambler và được trang Sputnik dẫn lại, nội dung cụ thể như sau: "Việc tiếp tục hợp đồng với Việt Nam đang ở giai đoạn thảo luận". Ngoài ra, theo vị đại diện này, đàm phán về việc cung cấp tàu chiến cùng lớp với các khách hàng nước ngoài khác cũng đang được tiến hành.
Như vậy sau nhiều dự đoán xung quanh số phận dự án Molniya 1241.8 như Việt Nam có thể bỏ qua lớp tàu trên để tiến thẳng lên Buyan-M hay thậm chí là Karakurt thì thông tin trên đã cho thấy Hải quân nhân dân Việt Nam có thể sẽ tiếp tục đóng 4 tàu tên lửa tấn công nhanh "Tia chớp".
Việt Nam sẽ sớm có thêm 4 tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.8 hiện đại
Theo nhận định của nhiều chuyên gia quân sự, 4 tàu Molniya tiếp theo do Việt Nam thi công đóng mới có thể sẽ có cấu hình vũ khí mạnh hơn.
Mọi sự chú ý đang đổ dồn về tên lửa hành trình chống tàu siêu âm 3M-54E Klub-N. Đây cũng là vũ khí đang được Nga đề nghị tích hợp cho cặp Gepard 3.9 thứ ba nếu Việt Nam quyết định đặt hàng, do vậy nếu lựa chọn 3M-54E thì sẽ tạo được sự đồng bộ về khâu hậu cần kỹ thuật sau này.
Tuy nhiên, không chỉ có tên lửa chống hạm mà Molniya 1241.8 của chúng ta còn có thể được nâng cấp với những vũ khí mới vừa được Nga tích hợp cho chiếc Shkval thuộc lớp Karakurt - Dự án 22800 của họ.
Tàu tên lửa tàng hình cỡ nhỏ Shkval lớp Karakurt của Hải quân Nga
Hải quân Nga mới đây đã công bố hình ảnh chiếc tàu tên lửa tàng hình cỡ nhỏ Shkval - Chiếc thứ tư thuộc lớp Karakurt - Dự án 22800 trước khi nó được hạ thủy, con tàu đã mang đầy đủ cấu hình sức mạnh như thiết kế ban đầu bằng sự bổ sung module tên lửa - pháo phòng không Pantsir-M cùng với các radar mảng pha quét chủ động AFAR.
Trước kia, đã có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên trang bị cho các tàu Molniya đóng mới hệ thống vũ khí phòng thủ tầm cực gần Palma như trên chiếc Molniya - Dự án 1242 của Hải quân Nga, nhằm thay thế 2 khẩu pháo AK-630M không thực sự mạnh.
Nhưng với xu thế tiến thẳng lên hiện đại, Việt Nam có thể tính tới phương án tích hợp luôn cho 2 cặp Molniya tiếp theo tổ hợp Pantsir-M thay vì Palma, đặt chúng cạnh nhau thì rõ ràng Pantsir-M mạnh hơn nhiều khi cung cấp "chiếc ô che đầu" có độ rộng gấp 2,5 lần so với Palma.
Tàu tên lửa Molniya của Hải quân Nga được trang bị module Palma ở phía đuôi
Việc Hải quân Nga hoàn thiện các bài kiểm tra đối với Pantsir-M để chính thức đưa nó vào biên chế cũng cho thấy họ sẵn sàng xuất khẩu tổ hợp vũ khí phòng thủ này.
Ngoài Pantsir-M thì tàu tên lửa lớp Karakurt của Nga còn có pháo AK-176MA với tháp pháo được thiết kế theo kiểu tàng hình hóa giúp giảm tín hiệu phản xạ radar, đi kèm cơ cấu ngắm bắn tự động tối tân hơn khẩu AK-176M.
AK-176MA cũng là một ứng viên sáng giá để trang bị cho những tàu Molniya thế hệ mới của Việt Nam, bởi vì việc thay thế 2 loại pháo cho nhau là việc làm không quá phức tạp.
Hy vọng rằng sau quá trình đàm phán, các tàu hộ vệ "Tia chớp" của Việt Nam có thể được trang bị một số hệ thống vũ khí mới mà Nga vừa đưa lên chiếc Shkval lớp Karakurt, khi đó chúng ta sẽ có những chiến hạm với khả năng công thủ khá toàn diện.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Giới thiệu tính năng tổ hợp tên lửa - pháo phòng không hạm tàu Pantsir-M
No comments:
Post a Comment