Trong lịch sử gần 70 năm của Mossad , chẳng cơ quan tình báo nước ngoài nào thực hiện các cuộc tiêu diệt đối thủ bên ngoài lãnh thổ mình nhiều bằng điệp viên Israel. Bất luận kẻ thù trốn ở chân trời góc bể nào, Mossad cũng truy tìm ra và giết cho bằng được. Tuy nhiên, không phải điệp vụ nào cũng thành công mỹ mãn…
Các vụ ám sát
Không chỉ dừng lại ở những vụ bắt cóc, Mossad được cho là phải chịu trách nhiệm về một loạt các vụ ám sát các nhà lãnh đạo Palestine trên khắp thế giới.
Sau một loạt chứng cứ không thể chối cãi, năm 2012 Israel đã phải thừa nhận giết chết Khalil al-Wazir (bí danh Abu Jihad), lãnh đạo của Phong trào Giải phóng Palestine (PLO) trong một cuộc đột kích của lực lượng Mossad tại Tunisia năm 1988.
Khalil al-Wazir được biết đến là người sáng lập ra Fatah, phe thống trị trong PLO. Khalil al-Wazir bị chính quyền Israel kết tội gây ra hàng loạt vụ tiến công nhằm vào lãnh thổ Israel và người Do Thái.
Ngày 15/4/1988, một ngày trước khi hoạt động, các đơn vị biệt kích của Mossad đã bí mật tiếp cận bờ biển Tunisia. Bộ chỉ huy chiến dịch được đặt trên một tàu chiến của Hải quân Israel đang neo đậu ngoài khơi Tunisia.
Hai mươi sáu thành viên của chiến dịch được chia thành 2 nhóm, nhóm đầu tiên gồm 8 người, do Nahum Lev chỉ huy, có nhiệm vụ đột kích vào tư gia của Abu Jihad, nhóm thứ hai có nhiệm vụ yểm trợ.
Sau khi tập kết cách nhà Abu Jihad khoảng 500 mét, Nahum Lev và một biệt kích khác ăn mặc như một người phụ nữ Hồi giáo với khăn Hijab trùm đầu, một tay họ mang theo một hộp socola lớn, tay kia giấu một khẩu súng gắn bộ phận giảm thanh.
Tốp biệt kích tiến hành đột nhập vào nhà của Abu Jihad theo một kịch bản đã được luyện tập nhuần nhuyễn. Lev bắn chết vệ sĩ của Abu Jihad đang ngủ trong xe và xông vào tòa nhà, một vệ sĩ và một người làm vườn của Abu Jihad cũng bị giết.
Nhóm biệt kích nhanh chóng tiến vào phòng ngủ của Abu Jihad và hạ sát ông, sau đó hình ảnh của Abu Jihad được gửi ngay về Trung tâm phân tích dữ liệu của Mossad tại Israel.
Sau khi xác nhận chính xác người bị hạ sát là Abu Jihad, nhóm biệt kích nhanh chóng rời khỏi hiện trường và Tunisia trên chiếc xuồng cao tốc, ra tàu của Hải quân Israel đợi sẵn ngoài khơi.
Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ đã lên án vụ ám sát Abu Jihad như là một "hành động ám sát chính trị". Hội đồng Bảo an LHQ thông qua Nghị quyết 611 lên án "sự gây hấn đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tunisia", nhưng không nhắc đến Israel.
Năm 2003, cựu Thủ tướng Ariel Sharon bắt đầu bật đèn xanh cho chiến dịch "Bắt rắn chặt đầu", với chiến dịch quân sự lẫn tình báo nhằm tiêu diệt các đối tượng thủ lĩnh Hamas cũng như những nhóm Hồi giáo quá khích khác.
Người lãnh đạo nhóm Hồi giáo Jihad Fathi Shikaki là mục tiêu số 1 của Mossad. Shaqaqi bị ám sát vào ngày 26/10/1995 ở phía trước khách sạn Diplomat ở Sliema, Malta bởi một đội tấn công gồm hai điệp viên Mossad.
Vụ ám sát xảy ra sau khi Shaqaqi trả lời một cuộc phỏng vấn với nhà báo Ibrahim Hamidi của tờ báo Al-Hayat. Sau đó, Shaqaqi dưới tên giả Ibrahim Ali Shawesh đã tới Tripoli thăm Lybia và gặp nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, người hứa sẽ giúp tài trợ cho phe Shaqaqi.
Tuy nhiên, lịch trình của Shaqaqi từ Lybia đến Damascus (nơi Shaqaqi xin tị nạn), có dừng chân ở Malta để gặp gỡ các thành viên Jihad ở đây đều bị cơ quan tình báo Mossad nắm chắc như lòng bàn tay. Shaqaqi đã bị một người đàn ông đi trên một chiếc xe máy bắn hạ khi vừa từ khách sạn Diplomat bước ra. Thủ lĩnh Hồi giáo Jihad chết tức thì bởi 6 viên đạn găm vào người.
Vụ ám sát Shaqaqi đã tạo ra sự hỗn loạn trong Phong trào Hồi giáo Jihad, vì không có người kế nhiệm nào có thể thay thế Shaqaqi.
Mossad cũng bị nghi ngờ giết chết một số nhà khoa học Iran làm việc trong chương trình vũ khí hạt nhân của nước này, cũng như bị nghi ngờ nhúng tay vào vụ đánh bom xe năm 2008 tại Damascus, giết chết Imad Mughniyeh, chỉ huy hàng đầu của nhóm chiến binh Hezbollah tại Lebanon.
Yossi Cohen, người đứng đầu Mossad trong một cuộc họp ủy ban tại quốc hội Israel vào ngày 8/12/ 2015
Sự trả thù với nhóm "Tháng Chín đen"
Vào ngày 5/9/1972, các thành viên nhóm "Tháng Chín đen" của Palestine đã tấn công đoàn vận động viên Israel tham gia Olympic Munich, giết chết một vận động viên và một huấn luyện viên, đồng thời bắt 9 người khác làm con tin.
Yêu sách nhóm khủng bố nêu ra là phải thả tất cả các tù nhân của nhóm này đang bị nhà cầm quyền Israel đang giam giữ.
Tuy nhiên, chính quyền Israel đã từ chối đáp ứng yêu cầu trên và các nhà chức trách Đức đã quyết định tiến hành một hoạt động quân sự để giải cứu dẫn tới cái chết của các con tin và 8 kẻ khủng bố. Sự kiện đã gây sốc cho toàn thế giới và mở ra một kỷ nguyên khủng bố toàn cầu mới.
Đáp lại, Thủ tướng Israel khi đó là ông Golda Meir đã ra lệnh cho Mossad săn lùng và tiêu diệt tất cả những người liên quan. Sự trả thù kéo dài toàn cầu và tiếp tục cho đến khi họ giết nhầm người.
Nạn nhân xấu số là Ahmed Bouchikhi, một người Na Uy gốc Ma-rốc, sống ở Lillehammer, một thị xã nhỏ của Na Uy, bị cơ quan tình báo Mossad nhầm với một chỉ huy của nhóm "Tháng Chín đen" là Ali Hassan Salameh. Một số thành viên thực hiện điệp vụ trên đã bị lực lượng an ninh Na Uy bắt và đưa ra xét xử.
Sự việc này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ của Israel với Na Uy và các nước Châu Âu khác; đồng thời cũng ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Mossad khi họ bị đánh đồng ngang với các tổ chức khủng bố.
Một tên khủng bố trong vụ bắt cóc con tin ở Munich, Đức vào năm 1972
Đến các phi vụ thất bại đáng quên
Năm 1997, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Netanyahu, các điệp viên của Mossad đã cố gắng ám sát thủ lĩnh Hamas, Khaled Mashaal ở Amman, Jordan.
Ngày 24/9/1997, các điệp viên Mossad lần lượt đến Amman từ Athens, Rome và Paris. Hai sát thủ trực tiếp thực hiện điệp vụ đều mang hộ chiếu Canada giả với tên Barry Beads và Sean Kendall.
Ngày hôm sau, các điệp viên bám theo Mashaal từ nhà riêng đến trụ sở Hamas tại Amman, khi Mashaal rời xe bước vào trụ sở, đã có một đám đông đứng trước trụ sở Hamas, Barry Beads và Sean Kendall đã có mặt trong số đó.
Chẳng ai nghi ngờ họ bởi du khách nước ngoài vẫn thường tò mò đến trụ sở xem các thủ lĩnh Hamas. Lúc này Beads tiến thẳng đến trong khi Kendall kè sát vai đối tượng, "Ông là Mashaal?" – Beads hỏi, cùng lúc Kendall lôi ra chiếc bình và xịt vào tai trái nạn nhân.
Rất may cho Thủ lĩnh Hamas Mashaal là đặc vụ Kendall chỉ xịt được một lần nhưng cũng đủ gây nôn mửa, choáng váng và do được cấp cứu kịp thời nên không thiệt mạng.
Vụ việc bị bại lộ quá nhanh, nhóm điệp viên Mossad đã chuồn mất, không "vớt" kịp Kendall và Beads, hai đặc vụ này bị cảnh sát Jordan tóm gọn. Trực tiếp Samith Batihi – chỉ huy lực lượng phản gián Jordan đã hỏi cung Beads và Kendall.
Lãnh đạo Hamas Khaled Mashaal phát biểu tại Doha, Qatar, ngày 28 tháng 8 năm 2014
Bị xúc phạm bởi chủ quyền bị vi phạm, vua Hussein đe dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận hòa bình mà Israel đã tốn bao công sức mới ký được với Jordan nếu Israel không nhận lỗi và thả ngay giáo sĩ Ahmed Yassin (thủ lĩnh tinh thần đồng sáng lập Hamas bị Israel giết trong vụ tập kích tên lửa tháng 3/2004), đồng thời phải đưa thuốc giải cho Mashaal để đổi lấy mạng Beads và Kendall.
Vụ việc đã gây lên một cơn bão scandal ngoại giao giữa Israel và các nước Arab cũng như với Mỹ, dẫn đến Giám đốc của Mossad khi đó là ông Yatom phải từ chức.
Năm 2004, New Zealand đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel sau khi họ bắt được hai người Israel bị nghi ngờ là điệp viên của Mossad đang cố gắng sử dụng hộ chiếu giả để nhập cảnh. Bộ trưởng ngoại giao Israel khi đó là ông Silvan Shalom đã phải công khai xin lỗi New Zealand về hoạt động "quá nhiệt tình" của lực lượng phản gián Israel tại quốc gia này.
Năm 2010, Mahmoud al-Mabhouh, một điệp viên Hamas hàng đầu, đã bị giết tại một căn phòng khách sạn ở Dubai trong một hoạt động do Mossad tiến hành nhưng không bao giờ được Israel công nhận.
Một cuộc điều tra quy mô được tiến hành, danh sách du khách đến Dubai được xăm xoi cũng như băng hình được ghi lại từ hơn 1.000 camera trong khách sạn, kể cả băng hình của hệ thống camera tại toàn bộ các khách sạn khác cũng như siêu thị và sân bay.
Ngày 15/2/2010, cảnh sát trưởng Dubai Tamim đã tổ chức cuộc họp báo. Tay cầm mảnh giấy in hình và tên các đối tượng tình nghi, đồng thời cung cấp cho báo chí quốc tế đoạn băng hình, Tamim cam đoan rằng, Mossad đích thị là thủ phạm.
Vụ bắt điệp viên Alexander Varin (trong nhóm sát thủ giết al-Mabhouh) ngày 4/6/2010 tại Ba Lan đã khẳng định thêm quy kết trên…
Scandal điệp vụ Dubai nổ tung như một quả bom trong quan hệ ngoại giao đối với Israel. Chỉ huy chiến dịch trên đệ đơn từ chức nhưng không được chấp nhận. Tuy nhiên, để giảm sức ép lên quan hệ ngoại giao, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã đồng ý cho Meïr Dagan, Giám đốc Mossad ra đi.
Ông Netanyahu tiết lộ số tài liệu tình báo về chương trình hạt nhân Iran.
No comments:
Post a Comment