Hàng không mẫu hạm tồi nhất trong lịch sử hải quân thế giới
Trong bảng xếp hạng các tàu sân bay tồi nhất thế giới còn có mặt các tàu sân bay Eagle của Anh, USS Ranger của Mỹ, Kaga của Nhật Bản và Bearn của Pháp. Tuy nhiên, "Kuznetsov" vẫn là chiếc tàu duy nhất trong số đó đến nay vẫn còn phục vụ cho quân đội.
Như tác giả Robert Farley viết trên The National Interest, "Đô đốc Kuznetsov" được đóng vào năm 1983 tại Liên Xô và được kỳ vọng trở thành sợi dây kết nối tới các loại tàu sân bay hiện đại. Tuy nhiên Liên Xô tan rã cũng kéo theo cả chương trình này.
Nó chỉ chính thức được đưa vào vận hành ở Nga sau 15 năm, còn sau vụ tai nạn vào năm 1996 nó phải mất thêm hai năm nằm trong cảng tu sửa.
Chuyến chinh chiến đầu tiên của tàu sân bay Kuznetsov là tới Syria trong năm 2016 và đã để lại "vết nhơ khó rửa sạch" là có 2 chiếc máy bay tiêm kích gồm MiG-29K và Su-33 gặp nạn. Ông Farrley cho biết, dù "chất lượng sản xuất kém và mức độ hoạt động đáng ngờ", chiếc tàu sân bay này vẫn phải phục vụ quân đội vì nó mang ý nghĩa quan trọng đối với an ninh của Nga.
Cần phải nói rằng đây không phải là lần đầu tiên "Đô đốc Kuznetsov" bị đánh giá thấp. Hồi tháng 6/2017, đại diện chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov, đã gọi những lời lẽ của Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fellon là hợm hĩnh khi ông này khen vẻ đẹp của tàu sân bay Queen Elizabeth còn chê "sự rách nát" của "Đô đốc Kuznetsov".
Theo lời tướng Nga, ông Fellon cho thấy sự thiếu hiểu biết về khoa học hải quân, và không nhìn thấy sự khác biệt giữa hai con tàu, mà chiếc tàu của Anh bị ông Konashenkov gọi là "tàu chở máy bay", còn chiếc thứ hai – tàu chiến mang máy bay.
Tuy nhiên phần trăm sự thật trong lời lẽ chỉ trích các tàu sân bay do Liên Xô chế tạo cũng không ít.
Lời chê có lý hay là âm mưu hạ bệ vũ khí Nga?
Được biết, ban đầu người ta định đóng chiếc tàu sân bay "thông thường" ở Liên Xô. Khi vào mùa hè năm 1972, người ta trình cho Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô, Đô đốc Andrei Grechko đề án 1160 - tàu sân bay nguyên tử tấn công với tải trọng 80 nghìn tấn, ông Grechko nói: "Không cần phải sáng tạo, chế tạo giống như của Mỹ".
Nhưng một cuộc chiến đã nổ ra. Kỹ sư trưởng các tàu sân bay hạng nặng đã tuyên bố với Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô rằng ông sẵn sàng giải quyết các nhiệm vụ đặt ra với chi phí thấp – và ông được bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô phụ trách các vấn đề quốc phòng Dmitri Ustinov ủng hộ.
Cuối cùng, thay cho chiếc tàu sân bay đề án 1160, chiếc tàu sân bay hạng nặng đề án 1143 M "Novorossiysk" đã được triển khai đóng mới, và những tính năng chiến đấu của nó ít hơn hẳn những gì người ta cam kết.
Sự thừa nhận gián tiếp sai lầm này chính là việc hiện nay Nga đang nghiên cứu chế tạo đề án tàu sân bay nguyên tử "Shtorm" (đề án 23000) với những tính năng khá giống với tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ.
Nhưng ở đây xuất hiện một câu hỏi khác: Có cần thiết phải có tàu sân bay không? Theo ý kiến của một loạt các chuyên gia, Nga không nên ganh đua với Mỹ trong lĩnh vực này khi người Mỹ đang sở hữu trong tay 11 biên đội tàu sân bay tấn công. Hơn nữa, Nga đã chuẩn bị một câu trả lời tương xứng mà phần nhiều sẽ biến "các sân bay nổi" của Mỹ thành vô nghĩa.
Ngày 1/3 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong Thông điệp Liên bang của mình đã chia sẻ về quá trình nghiên cứu chế tạo các vũ khí chiến lược quan trọng khi hé lộ một phần những tính năng của chúng.
Cụ thể ông dừng lại ở công tác nghiên cứu chế tạo các thiết bị lặn không người lái có khả năng di chuyển rất sâu với vận tốc cao chưa từng có. Theo ý kiến của các chuyên gia, đó là các đề án "Tzefalopod" và "Status-6" của Phòng Thiết kế Trung ương "Rubin" mà được lắp đặt hệ thống động cơ năng lượng hạt nhân do Phòng thiết kế mang tên Afrikantov chế tạo.
"Tzefalopod" được kỳ vọng sẽ tiêu diệt gọn các cứ điểm của địch bằng vũ khí thông thường, còn "Status-6", theo mô tả, có thể nhắm thẳng vào mục tiêu bằng đầu đạn hạt nhân.
Những thiết bị này hoàn toàn bất khả xâm phạm, và là "các sát thủ diệt tàu sân bay" thực sự.
Vậy điều gì đằng sau bài viết của The National Interest, có đúng là tàu sân bay Kuznetsov kém cỏi đến mức đó không?
Theo chia sẻ của Giám đốc Học viện Các vấn đề địa chính trị (Nga), Tiến sĩ khoa học quân sự, ông Constantin Sivkov, "Đô đốc Kuznetsov" được chế tạo để thực hiện các nhiệm vụ hoàn toàn cụ thể - để tấn công bằng các tên lửa chống hạm nhằm vào các mục tiêu trên mặt nước của địch và để thực hiện nhiệm vụ phòng không cho biên đội tàu chiến tấn công.
Và từ quan điểm này, nó hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của hạm đội hải quân Nga.
Vấn đề duy nhất – "Đô đốc Kuznetsov" cần phải được đại tu. Và đó là điều hoàn toàn bình thường. Các tàu sân bay của Mỹ thường được đại tu 12 năm một lần, còn chiếc tàu của Nga đã hoạt động 30 năm mà chưa một lần đại tu.
Và nếu tác giả Robert Farley muốn chỉ trích thì có lẽ tốt hơn hết là để ý tới chiếc tàu sân bay Queen Elizabeth vô tích sự của Anh mà không được trang bị hệ thống phòng không.
Chiếc tàu của Nga có khả năng tự bảo vệ trước cuộc tấn công nhóm của không quân địch, và tiêu diệt tới 6-8 mục tiêu từ mỗi bên mạn tàu. Bên cạnh đó, về số lượng các máy bay trên tàu, "Đô đốc Kuznetsov" và chiếc tàu của Anh không có khác biệt.
Lực lượng không quân của tàu sân bay Kuznetsov ít hơn một chút vì nó còn trang bị các tổ hợp tên lửa chống hạm "Granit" với khả năng tiêu diệt biên đội tàu sân bay tấn công của địch. Về mặt thiết kế thì "chiếc tàu sân bay tồi nhất trong lịch sử hạm đội hải quân thế giới" và Queen Elizabeth có rất nhiều điểm tương đồng.
Như vậy, có thể việc The National Interest đưa tàu saan bay Kuznetsov vào bảng xếp hạng này là do Phương Tây đang triển khai một chiến dịch thông tin nhằm mục đích hạ bệ vũ khí của Nga chứ không hề có một lý do nào khác.
Thật ngu xuẩn khi nói rằng cần nhiều tiền để nâng cấp "Đô đốc Kuznetsov" và sẽ khiến chiếc tàu này không thể vực dậy được và nếu có thì cũng vô nghĩa. Lời lẽ này nhằm phá hoại hoạt động nâng cấp. Đương nhiên khi nâng cấp phải có tiền, theo thực tiễn cho thấy cần tối đa 20% chi phí đóng mới. Và không có chuyện không vực dậy được.
Khi thay thế hoặc đại tu trước tiên cần phải làm thiết bị cung cấp năng lượng của "Đô đốc Kuznetsov", khi nâng cấp – hệ thống vũ khí, thiết bị định vị, các thiết bị liên lạc. Như tuyên bố của Tập đoàn đóng tàu Nga, công tác tu sửa sẽ kéo dài tới năm 2020.
Sau đó, chiếc tàu sân bay hạng nạng sẽ lại trở lại hàng ngũ. Và đó là điều đúng đắn – trong lực lượng hải quân Mỹ, các tàu sân bay hoạt động tới 50 năm mà chẳng ai phàn nàn gì cả.
Liên quan tới việc các thiết bị lặn không người lái với hệ thống cung cấp năng lượng bằng hạt nhân mà tổng thống Putin chia sẻ có đặt dấu chấm hết cho các tàu sân bay và tàu chiến hay không, ông Sivkov không cho là như vậy.
Các đề án "Tzefalopod" và "Status-6" hoàn toàn không phải là câu trả lời tương xứng nhằm vào các tàu sân bay, mà là những yếu tố trong hệ thống kiềm chế hạt nhân.
Ngư lôi hạt nhân được sử dụng, trước tiên, để gây thiệt hại không thể chấp nhận được cho kẻ địch bằng cách kích nổ các đầu đạn công phá đặc biệt gần bờ biển của Mỹ, hoặc là để kích hoạt các quá trình địa vật lý nhằm phá hủy Mỹ như một lục địa. Các tàu sân bay trong trường hợp này không có ý nghĩa gì đối với người Mỹ.
Và Nga rất cần các tàu sân bay. Nếu Nga có tàu sân bay "Shtorm" thì đã không có những vấn đề xảy ra tại Syria, nơi mà một nhóm không quân gồm 35-40 máy bay phải thực hiện các nhiệm vụ bằng cả một sư đoàn. Nga đáng lẽ có thể bảo vệ được Libya nếu như sở hữu các đội tàu sân bay hiện đại.
Thêm vào đó, Nga đáng lẽ có thể đảm bảo sự hỗ trợ cho Venezuela để đối lấy các quan hệ kinh tế và những cơ hội triển khai căn cứ hải quân của mình ở đó. Thực ra, theo ông Sivkov, để chế tạo các tàu sân bay, Nga phải có một nền kinh tế hoàn toàn khác.
No comments:
Post a Comment