Chương trình nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình PAK FA mà nay sản phẩm của nó nhận tên định danh chính thức Su-57 là một trong những dự án vũ khí tham vọng và tốn kém nhất của nước Nga thời kỳ hậu Xô Viết.
Ngay từ khi ra đời, Su-57 đã chứa đựng trong mình rất nhiều kỳ vọng rằng sẽ xóa nhòa khoảng cách thế hệ giữa Không quân Nga với Mỹ và chứng minh tiềm lực khoa học kỹ thuật của nước Nga ngày nay không chỉ là "ăn theo" thành tựu Liên Xô.
Thậm chí giới tướng lĩnh Nga còn nhiều lần tự tin tuyên bố rằng so với F-22 hay F-35 thì chiếc Su-57 vượt trội hoàn toàn, cả về giá thành chế tạo, hệ thống điện tử hiện đại cũng như khả năng bay "siêu cơ động" mà các đối thủ bên kia đại dương không có.
Tiêm kích Su-57 bay qua Quảng trường Đỏ hôm 3/5
Tuy nhiên trái ngược với viễn cảnh đầy tươi sáng trên, chiếc Su-57 vẫn chưa biết bao giờ mới được hoàn thiện, bất chấp đã có cả chục nguyên mẫu được chế tạo để vừa kiểm tra tính năng vừa sửa lỗi - một con số kỷ lục.
Chiếc Su-57 hiện nay bị đánh giá có diện tích phản xạ radar tương đối lớn, hệ thống điện tử hàng không chưa được như kỳ vọng. Gần đây, Ấn Độ vì những nguyên nhân này đã chấm dứt chương trình FGFA - một biến thể của Su-57 hợp tác với Nga.
Vấn đề nan giải nhất đối với Su-57 chính là động cơ "chuẩn thế hệ 5". Chiến đấu cơ tối tân này đang phải dùng tạm AL-41F1S lắp cho Su-35, động cơ không thể giúp nó bay hành trình với tốc độ siêu âm cũng như hạn chế bộc lộ tín hiệu hồng ngoại - yêu cầu tiên quyết đối với tiêm kích tàng hình.
Thậm chí khoảng thời gian có mặt ngắn ngủi tại Syria, chiếc Su-57 cũng bị nghi ngờ rằng đã phát sinh lỗi kỹ thuật khi nó chỉ thực hiện được một chuyến bay duy nhất dọc bờ biển Latakia rồi phải gấp rút về nước.
Việc Su-57 không hiện diện trong khu sân đỗ máy bay dẫn tới nhận xét cho rằng lớp sơn phủ tàng hình của nó quá dễ tổn thương trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt, làm cho chi phí khai thác chẳng hề rẻ như Nga vẫn công bố.
Dễ nhận thấy chiếc Su-57 bay qua Quảng trường Đỏ vẫn sử dụng động cơ đời cũ
Trước tình hình trên, quyết định cho Su-57 tham dự Lễ duyệt binh mừng chiến thắng Phát xít năm nay có thể xem như một hành động trấn an của Nga, rằng chương trình vũ khí trên vẫn ổn và nó đã gần như hoàn thiện để đi vào trực chiến.
Nhưng đáng tiếc rằng ngoài lớp sơn mới, tiêm kích Su-57 thể hiện rất rõ là nó chưa sẵn sàng, khi động cơ vẫn là loại AL-41F1S với cửa xả không có các đường cắt răng cưa như loại Izdeliye 30 đang nghiên cứu.
Đưa một vũ khí còn dang dở tham gia sự kiện quân sự quan trọng hàng đầu có lẽ không phải là mong muốn của các công trình sư, vì chẳng ai đảm bảo được máy bay sẽ không phát sinh sự cố ngay lúc đó, lựa chọn lắp động cơ cũ cho Su-57 được đánh giá là bước đi an toàn hơn.
Hy vọng rằng sang năm thì dự án vũ khí tiêu tốn nhiều giấy mực này của Nga sẽ có bước đột phá, nhưng khán giả cũng nên chuẩn bị tinh thần phải tới năm 2020 mới được thấy chiếc Sukhoi Su-57 với đầy đủ sức mạnh như thiết kế.
Một nguyên mẫu Su-57 tham gia buổi lễ duyệt binh ngày 9/5 năm nay
No comments:
Post a Comment