Hôm 1/5, sau rất nhiều lần trì hoãn thì nhà máy đóng tàu Hyundai Heavy Industries của Hàn Quốc đã làm lễ cắt thép cho chiếc khinh hạm HDF-3000 đầu tiên đóng mới theo đơn đặt hàng của Hải quân Philippines, dự kiến con tàu sẽ được bàn giao vào giữa hoặc cuối năm 2020.
Hải quân Philippines từ lâu nay vẫn phải chịu điều tiếng là lực lượng có trang bị nghèo nàn và lậc hậu bậc nhất khu vực Đông Nam Á, khi họ đang vận hành nhiều con tàu tuổi đời đã trên 50 năm tuổi.
Với vị thế của một quốc gia biển và đang phải chịu nhiều nguy cơ từ hành động bành trướng trên biển của Trung Quốc, đồng thời cũng muốn nhanh chóng thoát khỏi hình ảnh không mấy tốt đẹp hiện nay, hồi năm 2016 Chính phủ Philippines đã công bố dự án thuê Hàn Quốc đóng mới 2 khinh hạm 3.000 tấn HDF-3000 - phiên bản xuất khẩu của lớp Incheon.
Lễ cắt thép đóng mới khinh hạm HDF-3000 đầu tiên cho Hải quân Philippines
Mặc dù vậy, thông tin ban đầu cho biết tổng giá trị hợp đồng đặt mua 2 khinh hạm đa năng lớp HDF-3000 chỉ là 337 triệu USD (khinh hạm Incheon của Hải quân Hàn Quốc có giá tới 220 triệu USD/tàu), trong khi đây là một con tàu lớn và có hệ thống điện tử cũng như vũ khí rất hiện đại đã dẫn tới nghi ngờ rằng cấu hình của nó sẽ bị cắt giảm đáng kể.
Nhưng thật bất ngờ khi bản thiết kế sơ bộ của chiếc HDF-3000 đóng cho Hải quân Philippines gần đây đã được công bố, cho thấy con tàu sở hữu sức mạnh thật đáng gờm, thậm chí còn vượt cả bản gốc của Hàn Quốc và chẳng thua kém một khinh hạm hiện đại nào trong khu vực Đông Nam Á.
Cấu hình vũ khí dành cho khinh hạm HDF-3000 của Hải quân Philippines
Qua bản vẽ trên, có thể nhận thấy cảm biến chính của con tàu là radar mảng pha quét chủ động (AESA) Thales NS-160, đây được xem là bản nâng cấp của loại SPS-550K (một phiên bản của SMART-S) vẫn được lắp đặt trên các chiến hạm lớp Incheon cùng với radar điều khiển hỏa lực STIR EO Mk 2 cũng của Thales.
Đi kèm theo đó là các radar dẫn đường hàng hải hoạt động trên băng tần S/X, hệ thống trinh sát quang học SAQ-540K và hệ thống đối kháng điện tử bố trí phần phía sau tháp chỉ huy.
Vũ khí của tàu gồm 1 pháo hạm 76 mm Oto Melara Super Rapid, module pháo phòng thủ tầm gần MSI Seahawk cỡ 30 mm, 2 bệ phóng đôi dành cho tên lửa vác vai Mistral, 8 ống phóng tên lửa hành trình chống hạm SSM-700K, 6 ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ K745 Blue Shark.
Đặc biệt hơn, chiến hạm Philippines còn được tích hợp cụm 8 ống phóng thẳng đứng K-VLS có thể triển khai cả tên lửa phòng không tầm trung lẫn tên lửa chống ngầm hoặc tên lửa hành trình tấn công mặt đất, cụm ống phóng này phải đến thế hệ sau của lớp Incheon mới được nhìn thấy.
Bản vẽ trên không thể hiện nhưng chiếc HDF-3000 này còn có cả sonar gắn liền thân loại Bluewwatcher của Thales, hệ thống chỉ huy TACTICOS thế hệ mới nhất cùng các thiết bị thông tin liên lạc chuẩn link 16 và link 22 rất tiên tiến.
Với cấu hình trên, dễ nhận thấy rằng HDF-300 của Philippines có sức mạnh không thua kém bất cứ chiến hạm 3.000 tấn nào đang có mặt trong thành phần hải quân các quốc gia ASEAN (trong đó có cả Gepard 3.9 ). Đây sẽ là một đối thủ đáng gờm của Hải quân Trung Quốc nếu họ vẫn thực thi chính sách bành trướng xuống phía Nam.
Khinh hạm lớp Incheon của Hàn Quốc trong lễ bàn giao
No comments:
Post a Comment