Đó chính là câu chuyện về Trung tướng Nguyễn Như Hoạt - nguyên chiến sĩ Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, trung đoàn 48, Sư đoàn 320.
Nhanh nhẹn, linh hoạt nên được chọn làm liên lạc
Nguyễn Như Hoạt sinh ngày 2 tháng 9 năm 1950. Khi mới 17 tuổi, anh đã làm đơn tình nguyện nhập ngũ lên đường đánh Mỹ. Ngày 23 tháng 2 năm 1967, nguyện vọng của anh được chấp thuận.
Sau một thời gian huấn luyện tại Trung đoàn 586 tại Mai Sưu (Bắc Giang), Hoạt được điều về Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 thuộc Quân khu Tả Ngạn (Quân khu 3 ngày nay).
Cuối năm 1967, sư đoàn của Hoạt nhận lệnh đi chiến trường. Theo ý định của trên, Sư đoàn 320 sẽ chiến đấu trên cánh Đông của Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh. Địa bàn tác chiến chủ yếu ở phía đông Quảng Trị với nhiệm vụ chủ yếu là ngăn chặn con đường tiếp vận từ cảng Cửa Việt lên Khe Sanh, phối hợp với chiến trường chính ở Khe Sanh.
Lính Mỹ ở Khe Sanh.
Giáp Tết Mậu Thân 1968, đơn vị của Hoạt nhận lệnh cơ động vượt sông Bến Hải vào chuẩn bị tham gia trận tiến công chi khu quân sự Cam Lộ. Vị trí tập kết của đại đội anh tại "Đồi không tên" dưới chân núi Cù Đinh - nơi Anh hùng Bùi Ngọc Đủ đã cùng tiểu đội đánh lui hàng chục đợt tiến công của một tiểu đoàn quân Mỹ tháng 2 năm 1967.
Đây là một vùng đồi núi khô cằn, chủ yếu là lau le và ít lùm cây bụi lúp xúp. Giữa mùa khô nên các con suối quanh đó đều cạn khô và đơn vị của anh rơi vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Nếu không tìm được nguồn nước sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ.
Trung tướng Nguyễn Như Hoạt.
Mặc dù chỉ là một chiến sĩ mới chưa đầy 1 tuổi quân nhưng với óc phán đoán nhanh nhạy và khả năng suy luận hợp lý, Nguyễn Như Hoạt đã tìm được nguồn nước cho đơn vị mình sử dụng. Thấy người chiến sĩ mới nhưng có tư chất thông minh, linh hoạt như vậy, Ban chỉ huy đại đội đã quyết định chọn anh lên làm liên lạc.
Trên cương vị mới này, chiến sĩ liên lạc Nguyễn Như Hoạt đã phát huy khả năng của mình giúp cho các đồng chí trong Ban chỉ huy đại đội hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh.
Trận đánh để đời, chiến sĩ liên lạc "bạo gan" chỉ huy đại đội
Sau khi đợt 1 cuộc Tổng tiến công vào các thành phố, thị xã toàn miền Nam của ta kết thúc, quân Mỹ đã tăng cường lực lượng rất mạnh tới cụm cứ điểm Khe Sanh.
Các tướng lĩnh của Mỹ đánh giá rất cao vai trò cụm cứ điểm này và coi nó như một Điện Biên Phủ thứ hai. Chúng tăng cường lực lượng, phương tiện tới đây hòng tiêu diệt một số đơn vị chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sư đoàn 320 vẫn tiếp tục chiến đấu ở cánh Đông của Quảng Trị với nhiệm vụ tiêu diệt địch, đồng thời ngăn chặn sự tiếp tế của Mỹ lên căn cứ Khe Sanh. Trong đó, Trung đoàn 64 sẽ tổ chức đánh chặn giao thông trên đường 9, còn Trung đoàn 52 và Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 48 sẽ phối hợp đánh chặn đường vận tải thủy từ cảng Cửa Việt lên Đông Hà.
Pháo binh Mỹ ở Khe Sanh.
Sông Cửa Việt là hợp lưu của hai con sông Thạch Hãn và sông Hiếu nên khá rộng và là con đường tiếp tế chủ yếu cho căn cứ Khe Sanh qua trạm trung chuyển Đông Hà. Để bảo vệ con đường vận tải quan trọng này, quân Mỹ bố trí hai tiểu đoàn lính thủy đánh bộ (LTĐB) có cả xe tăng, xe bọc thép ở khu vực Mai Xá Chánh phía bắc sông Cửa Việt.
Thường thường chúng tung quân ra lục soát, bảo đảm an ninh dọc theo bờ sông. Khi có tàu vận tải chạy trên sông chúng sẽ hộ tống trên bờ. Ngoài ra, còn một lực lượng nữa của quân Việt Nam cộng hòa (VNCH) tại Đông Hà sẵn sàng hỗ trợ cho chúng.
Để hoàn thành nhiệm vụ trên giao, Trung đoàn 52 bố trí một số "chốt" tại khu vực Xóm Soi, Thượng Độ, Đại Độ... để chặn đánh các đoàn tàu vận tải trên đoạn sông này cũng như tiêu diệt lực lượng hộ tống trên bờ của địch.
Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48 làm lực lượng cơ động, thực hiện chiến thuật "vận động tiến công kết hợp chốt", sẵn sàng đánh địch để hỗ trợ, bảo vệ các chốt của Trung đoàn 52.
Bố trí của Tiểu đoàn 3 như sau: Sở chỉ huy tiểu đoàn ở Vinh Quang Thượng, Đại đội 10 bố trí tại Vinh Quang Hạ, Đại đội 11 bố trí tại làng Kỳ Trúc, Đại đội hỏa lực 12 bố trí tại khoảng giữa hai làng Vinh Quang Thượng và Vinh Quang Hạ, còn Đại đội 9 của Nguyễn Như Hoạt bố trí ở xóm Đồng Hoang. Khoảng cách từ đó đến các chốt tiền tiêu dao động từ 2,5 đến 4 km.
Quân giải phóng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân 1968. Ảnh tư liệu.
Trong các ngày 1 và 2 tháng 5 năm 1968, các đơn vị này đã thực hiện đúng ý định của trên, bắn cháy 4 tàu, bắn bị thương 2 tàu, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn LTĐB, tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ trong đó có một Trung tá Tiểu đoàn trưởng.
Trong trận đánh ngày 2.5, Chính trị viên Đại đội 9 Lê Xuân Thu bị thương nặng phải về tuyến sau điều trị. Chỉ huy đại đội bây giờ là Quyền đại đội trưởng Nguyễn Văn Yêm.
Cay cú vì thất bại, trong các ngày 3 và 4 tháng 5, quân Mỹ đã cho ném bom hủy diệt các ngôi làng Thượng Độ, Đại Độ, Đình Tổ...- nơi có trận địa chốt của Trung đoàn 52. Và ngày 5 tháng 5, một tiểu đoàn LTĐB Mỹ với sự chi viện của máy bay, xe tăng mở cuộc tiến công vào xóm Đồng Hoang, nơi Đại đội 9 của Nguyễn Như Hoạt đứng chân.
Đồng Hoang là một xóm nhỏ có chừng hai chục nóc nhà đứng chơ vơ giữa đồng, xung quanh là những lũy tre gai dày bao bọc. Địa hình bốn phía là đồng lúa bằng phẳng đang vào mùa lúa chín rất thuận lợi cho bên tiến công triển khai đội hình.
Trung tướng Nguyễn Như Hoạt bên tượng đài chiến tích Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Nguyễn Khắc Nguyệt.
Sau một trận pháo kích dữ dội từ Hạm đội 7 và các trận địa pháo xung quanh dội vào và một trận oanh tạc trực tiếp của không quân Mỹ, khói lửa từ xóm Đồng Hoang bốc lên nghi ngút, các lũy tre quanh xóm tơi tả, nhiều khóm bị bật cả gốc lên. Đúng 9 giờ sáng trận tiến công vào Đồng Hoang bắt đầu.
Được sự chi viện của hỏa lực xe tăng, hàng trăm tên LTĐB Mỹ với trang bị từ đầu đến chân hùng hổ tiến vào xóm Đồng Hoang những tưởng như vào chỗ không người. Tuy nhiên, chúng không thể ngờ sau trận pháo kích dữ dội kéo dài hàng tiếng đồng hồ, những người lính của Đại đội 9 vẫn đứng vững và đã chặn đứng cuộc tiến công của chúng.
Dưới sự chỉ huy của quyền đại đội trưởng Nguyễn Văn Yêm, cán bộ chiến sĩ Đại đội 9 đã bắn cháy 1 xe tăng, 1 xe bọc thép M113, tiêu diệt hàng chục tên địch buộc chúng phải lui lại củng cố đội hình.
Sau một thời gian xốc lại đội hình và dùng hỏa lực của xe tăng bắn trực tiếp vào tiền duyên phòng ngự, quân Mỹ bắt đầu đợt tiến công thứ hai. Đại đội 9 vẫn chiến đấu ngoan cường, bắn cháy thêm 2 xe tăng và xe bọc thép, hàng chục tên LTĐB nữa bị diệt buộc chúng phải dừng lại lần nữa.
Tuy nhiên về phía Đại đội 9 cũng có những tổn thất nặng nề. Quyền đại đội trưởng Yêm hy sinh, các cán bộ trung đội người hy sinh, người thì bị thương nặng. Toàn đại đội chỉ còn khoảng 20 tay súng.
Trong khi đó, quân địch lại tiếp tục dùng hỏa lực đánh mạnh vào trận địa của đại đội và khu vực xung quanh. Đồng thời, hàng chục chiếc trực thăng liên tục đáp xuống bổ sung thêm 1 Tiểu đoàn kỵ binh bay vào lực lượng tiến công.
Sau khi được bổ sung lực lượng, quân Mỹ tổ chức tiến công lần thứ ba. Trong khi đó, tại Đại đội 9 các sĩ quan chỉ huy đã hy sinh và bị thương hết.
Lính Mỹ ở Cửa Việt.
Tình thế hết sức cấp bách. Liên lạc viên Nguyễn Như Hoạt trong quá trình chuẩn bị chiến đấu luôn đi sát các cán bộ đại đội đã nắm được phương án chiến đấu nên một mặt đứng ra chỉ huy đơn vị chiến đấu, một mặt gọi điện báo cáo cấp trên và xin chi viện.
Khi quân địch đột nhập được vào hướng phòng ngự của Trung đội 3, Hoạt chỉ huy các chiến sĩ nuôi quân, thông tin của "xê bộ" ra tăng cường phản kích, đồng thời cho Trung đội 2 xuất kích đánh vào sườn quân địch. Đợt tiến công thứ ba lại bị chặn đứng, toàn bộ thương binh được bảo vệ an toàn.
Sau khi sử dụng hỏa lực đánh vào trận địa và củng cố lực lượng, quân Mỹ tổ chức tiến công lần thứ tư. Hoạt chỉ huy đại đội bám từng tấc đất giữ vững trận địa. Trong lúc đó, Đại đội 10 và Đại đội 11 đã cơ động đến đánh vào phía sau và bên sườn lực lượng tiến công.
Giữa lúc quân Mỹ đang lúng túng đối phó, Hoạt cho đại đội xuất kích đánh vỗ mặt quân địch. Trận chiến đấu diễn ra quyết liệt. Từng nhóm nhỏ chiến sĩ ta đánh quần lộn với quân Mỹ trên cánh đồng lúa chín. Hai chiếc trực thăng bị bắn cháy, lửa từ xác hai chiếc máy bay lan ra cánh đồng lúa đang chín làm khói lửa ngút trời.
Trục cánh quạt trực thăng ở Đồng Hoang. Ảnh: Nguyễn Khắc Nguyệt.
Khiếp sợ trước tinh thần dũng cảm của bộ đội ta, binh sĩ Mỹ buộc phải chấp nhận lui quân để lại trận địa gần chục xác xe tăng, xe thiết giáp, 2 máy bay trực thăng đang rừng rực cháy cùng hàng chục xác lính.
Sau trận đánh, chiến sĩ liên lạc Nguyễn Như Hoạt được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và bổ nhiệm chức vụ trung đội trưởng. Năm 1970, Nguyễn Như Hoạt được tuyên dương Anh hùng LLVTND khi mới tròn 20 tuổi.
Sau hơn 40 năm phục vụ trong quân đội, ông nghỉ hưu với quân hàm Trung tướng khi đang làm Giám đốc Học viện Quốc phòng. Xóm Đồng Hoang - nơi diễn ra trận kịch chiến đã được tỉnh Quảng Trị công nhận là Di tích lịch sử kháng chiến.
Tròn 50 năm đã trôi qua kể từ trận đánh đặc biệt ấy song câu chuyện người chiến sĩ liên lạc "bạo gan" chỉ huy đại đội chiến đấu đánh bại 2 tiểu đoàn quân Mỹ vẫn được lưu truyền như một huyền thoại về những người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.
No comments:
Post a Comment