Trong những công nghệ ngăn chặn vệ tinh từng được phát triển thời Chiến tranh Lạnh, Nga và Mỹ là những quốc gia có những phát kiến công nghệ đặc biệt về việc sử dụng máy bay chiến đấu mang tên lửa diệt vệ tinh. Nổi bật trong đó là công nghệ bắn hạ vệ tinh ASAT áp dụng trên máy bay chiến đấu MiG-31D Liên Xô từng phát triển trong những năm 1980.
Dự án vũ khí đầy tham vọng
Nhận thấy sự cần thiết về việc phát triển hệ thống vũ khí đặc biệt có khả năng bắn hạ vệ tinh của đối phương cũng như những hạn chế của tên lửa đánh chặn phóng từ mặt đất do những giới hạn công nghệ ở thời điểm cuối những năm 1970, Văn phòng thiết kế Vympel năm 1978 đã phát kiến ra phương thức bắn hạ vệ tinh mới dựa trên nền máy bay tiêm kích hạng nặng MiG-31.
Theo ý tưởng của Vympel, phiên bản sửa đổi của máy bay MiG-31 với tên mã MiG-31D có thể mang theo đạn tên lửa đánh chặn lên độ cao lớn và khai hỏa. Việc dẫn đường đạn tên lửa đánh chặn sẽ là sự kết hợp giữa đài chỉ huy mặt đất và thông tin cập nhật về mục tiêu từ các máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS).
Đạn tên lửa đánh chặn 79M6 gá lắp trên máy bay MiG-31D
Trong nhiều năm sau đó, Vympel đã hoàn thành thiết kế của hệ thống bắn hạ vệ tinh ASAT, gồm: Hệ thống quang-vô tuyến mặt đất 45ZH6, đạn tên lửa đánh chặn 79M6 và phương tiện gá lắp tên lửa lên MiG-31D.
ASAT hoạt động theo nguyên tắc hệ thống 45ZH6 tìm kiếm và giám sát các vệ tinh của đối phương trên quỹ đạo. Các thông số về mục tiêu được nạp cho tên lửa đánh chặn. Tên lửa đánh chặn 79M6 có kết cấu 3 tầng, sử dụng nhiên liệu rắn, dài tới 10 m và nặng 4,5 tấn.
Khi thực hiện nhiệm vụ, máy bay MiG-31D đưa tên lửa lên độ cao 15 - 18 km để phóng. Đạn tên lửa sau đó sẽ tự động cập nhật vị trí mục tiêu từ máy bay AWACS và hệ thống dẫn đường mặt đất để tấn công chính xác mục tiêu bằng đầu đạn nổ phá mảnh định hướng.
Quỹ đạo bay của đạn tên lửa đánh chặn kéo dài từ 100 đến 380 giây tùy thuộc vào trần hoạt động của vệ tinh. Ở phiên bản đầu tiên, đạn tên lửa 79M6 có thể diệt vệ tinh ở độ cao từ 120-600 km, còn với phiên bản nâng cấp, dòng đạn đánh chặn mới hạ các vệ tinh ở độ cao tới 1.500 km. Văn phòng Vympel kỳ vọng, hệ thống ASAT có thể bắn hạ 24 vệ tinh trong vòng 36 giờ.
Nguyên mẫu máy bay MigG-31D tham gia thử nghiệm chương trình ASAT
Chấm dứt vì thiếu…tiền
Nhận yêu cầu từ Vympel, năm 1986, Tổ hợp Mikoyan tiến hành sửa đối hai máy bay MiG-31 sang phiên bản đặc biệt MiG-31D (tên mã kỹ thuật "Sản phẩm số 7"). Phiên bản MiG-31D được hoán cải mang giá phóng hạng nặng dưới thân, cùng các thiết bị dẫn bắn liên quan. Hệ thống ra-đa trên máy bay được tháo bỏ để giảm trọng lượng tổng thể của tổ hợp.
Tới năm 1987, các thử nghiệm của chương trình ASAT được thực hiện trên các nguyên mẫu MiG-31D mang số hiệu 071 và 072. Kết quả thu được rất khả quan và có tính khả thi cao.
Với những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật của chương trình ASAT, chỉ máy bay MiG-31 mới đáp ứng được. Khả năng mang vác đạn tên lửa đánh chặn nặng nề, tốc độ bay lớn, MiG-31 đã tạo ra phương thức tác chiến bắn hạ vệ tinh mới, hiệu quả hơn so với các hệ thống đặt trên bộ.
Hệ thống ASAT có lợi thế là có thể triển khai bắn hạ vệ tinh đối phương ở bất kỳ đâu, trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết nhờ sự cơ động của máy bay MiG-31D mang theo đạn tên lửa đánh chặn.
Tuy nhiên, tới năm 1989, chương trình bất ngờ bị hủy bỏ và chưa có vụ phóng thử tên lửa đánh chặn nào được tiến hành trong thực tế. Lý do được đưa ra là vì những khó khăn tài chính của Liên Xô trước khi sụp đổ.
Theo nhiều nguồn tin, chương trình phát triển ASAT được Nga nối lại vào năm 1997 với nhiều sửa đổi. Hệ thống mới với tên gọi Burlak được áp dụng trên máy bay ném bom hạng nặng Tu-160.
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông tin cụ thể nào liên quan tới chương trình Burlak được hé lộ.
MiG-31BM Nga phá hủy mục tiêu ở khoảng cách 40km
No comments:
Post a Comment