Dự án chế tạo Su-57 sẽ đi về đâu?
Suốt bao nhiêu năm người ta đã nghe về chiếc siêu tiêm kích thế hệ thứ 5 Su-57 của Nga (trên thực tế, tạm thời vẫn chưa có động cơ mới, thì nó vẫn chỉ là 4++). Nếu lấy thời điểm chuyến bay đầu tiên được thực hiện vào tháng 1/2010, thì nó đã được bàn tán tới gần 10 năm rồi.
Từ năm 2013, nhà máy chế tạo hàng không ở Comsomolsk-na-Amur (Nga) đã cho xuất xưởng, trong khuôn khổ giới hạn, 7 chiếc thử nghiệm bay và 3 chiếc thử nghiệm mặt đất.
Có nghĩa là tạm thời chúng ta chưa thể thấy bóng dáng của những cỗ máy này tại các lữ đoàn không quân Nga, và nếu suôn sẻ, thì hai chiếc Su-57 có thể sẽ được bàn giao cho Trung tâm ứng dụng chiến đấu và tái huấn luyện phi công Lipetzk (Nga). Như vậy, chưa có ai được đào tạo để điều khiển các máy bay Su mới, ngoài những phi công thử nghiệm.
Có thể thực hiện một phép so sánh nho nhỏ. Chiếc tiêm kích được sản xuất nhiều nhất của Liên Xô, phục vụ Chiến tranh Vệ quốc Yak-9 (1942-1948), trung bình mỗi năm được cho ra lò khoảng 2.700 chiếc trong điều kiện khó khăn của thời chiến.
Chiếc máy bay chiến đấu được sản xuất nhiều nhất trên thế giới (36.183 chiếc), cường kích huyền thoại Il-2, trong vòng 5 năm chiến tranh, đã cho ra lò trung bình 7.200 chiếc/năm. Ngoài ra, số lượng lớn các tiêm kích và ném bom vẫn được xuất xưởng.
Thế nhưng đó là thời chiến, quân đội có những yêu cầu của họ, các máy bay bị mất trong những trận không chiến rất nhiều, nhưng dây chuyền sản xuất không dừng, dù chỉ 1 phút đồng hồ. Chiếc tiêm kích phản lực sau thời chiến MiG-15 được sản xuất với tốc độ hơn 1.000 chiếc/năm, máy bay siêu thanh MiG-21 – 300 tiêm kích/năm.
Một trong những đối thủ cạnh tranh chính của tiêm kích Su-57 là F-35 Lightning II của Mỹ, từ năm 2006 được sản xuất với số lượng hơn 380 chiếc. Thêm một đối thủ nữa – F-22 Raptor, từng được xuất xưởng từ năm 1997 đến hết năm 2011 (hiện đã dừng sản xuất), với số lượng 195 chiếc.
Người ta nói nhiều hơn là tận mắt thấy Su-57. Nhưng nói thì rất "hoành tráng"! Như Tổng thống Putin chẳng hạn: "Chiếc máy bay tốt nhất của chúng ta. Không chỉ của chúng ta – tốt nhất trên thế giới. 100%. Về tất cả các thông số kỹ-chiến thuật, về vũ khí. Không ai có thể bay như chiếc máy bay của chúng ta".
Dự kiến Su-57 sẽ bắt đầu được bàn giao với số lượng lớn cho các đơn vị không quân vào năm 2020. Có nghĩa là dây chuyền của Nga cũng sẽ hoạt động không ngừng nghỉ, giống như dây chuyền sản xuất F-35 của Mỹ.
Các máy bay tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga bay trình diễn. Ảnh: RT
MiG-35: Một lần cất cánh duy nhất!
Không bị choáng ngợp bởi những ưu điểm của Su-57, muốn nhắc lại một dự án tiềm năng trong lĩnh vực phát triển không quân tiêm kích Nga, mà đáng lẽ có thể xuất hiện trước cả "Su".
Tại triển lãm hàng không "MAKS-2015" ở thành phố Zukovsky (ngoại ô Moscow), lần đầu tiên trình làng chiếc máy bay của Phòng thiết kế MiG – được giới chuyên gia biết tới như "Sản phẩm 1.44". Chính xác hơn, và quan trọng là dễ hiểu hơn, chiếc máy bay này cần phải gọi là MFI – tiêm kích tiền phương đa năng.
Câu chuyện về MFI có cả sự độc đáo, lẫn kịch tính. Công tác nghiên cứu chế tạo nó được bắt đầu, thậm chí, trước cả đối thủ cạnh tranh tiềm tàng F-22 Raptor. Nhưng chiếc máy bay của Mỹ hiện giờ vẫn đang tung cánh, còn tiêm kích đầu tiên của Nga, than ôi, cất cánh lần duy nhất vào ngày 29/2/2000.
Cỗ máy chiến đấu mà trong một thời gian dài được coi là tuyệt mật, gần như không được hé lộ cho bất cứ ai, những năm gần đây nó bị phủ bụi tại sân bay dã chiến của Viện Nghiên cứu bay mang tên Gromov.
Phi công thử nghiệm, anh hùng Nga Vladimir Gorbunov, người duy nhất đưa MFI lên bầu trời, cho đến nay vẫn giữ kín "bí mật quân sự" này và gần như không chia sẻ bất cứ điều gì về chiếc máy bay này.
Tính bí mật trong quá trình tiến hành những cuộc thử nghiệm đầu tiên, được triển khai từ năm 1996 trên thao trường, tới mức phải tạm dừng tất cả công việc khi các vệ tinh do thám của Mỹ được phóng lên vũ trụ. Nói chung, các điệp viên tiềm tàng đã có thể cảm nhận rằng, ở đó đang diễn ra công tác nghiên cứu chế tạo liên quan tới tiêm kích MiG-29 hoặc Su-27.
Lần giới thiệu MFI công khai đầu tiên diễn ra vào tháng 1/1999 – tiêm kích được đưa ra đường băng trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên. Nhưng nó không cất cánh. Chuyến bay đầu tiên kéo dài 18 phút diễn ra một năm sau nhưng không có sự chứng kiến của người ngoài. Theo lời phi công Gorbunov: "Cỗ máy vận hành bình thường, chiếc tiêm kích này có tiềm năng lớn".
Nói chung, bất chấp các tính năng của chiếc tiêm kích được giữ kín, vẫn có một vài thông số được đưa ra. Nó có thể đạt được vận tốc tới 2.900km/h và, bên cạnh đó, vẫn giữ được vận tốc hành trình siêu thanh.
Trần cao của máy bay với hai động cơ do Phòng thiết kế "Lyulka-Saturn" (Moscow) chế tạo, có thể đạt tới 20km. Theo các tính năng chiến đấu, MFI có thể đối kháng trong không chiến với hàng chục máy bay địch.
Tiêm kích này được coi là tàng hình – các công nghệ sơn phủ máy bay hấp thu sóng radar giúp nó "ngụy trang" ở trên không không thua kém, mà còn tốt hơn, các máy bay tàng hình của Mỹ.
Và sự khác biệt về giá thành so với F-22 của MFI cũng vậy – 70 triệu USD so với 100 triệu USD. Khi đó, từng có thông tin cho rằng, chiếc tiêm kích của Nga sau vài tháng sẽ bắt đầu những chuyến bay đúng nghĩa.
Công tác nghiên cứu chế tạo MFI bắt đầu từ cuối thập niên 70. Nhiệm vụ đặt ra trước các kỹ sư của MiG là chế tạo một tiêm kích hoàn toàn mới – đa năng, có khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt đất và trên không, siêu cơ động, khó bị phát hiện.
Tiêm kích này phải có vận tốc hành trình siêu thanh, giúp nó thực hiện khả năng cơ động trong không chiến, áp đặt cuộc chơi cho kẻ địch và phản ứng nhanh chóng với sự thay đổi chiến thuật.
Đương nhiên, đây là "lời đáp từ" đối với các nghiên cứu được những kỹ sư Mỹ triển khai. Chiếc tiêm kích của Nga phải là tốt nhất. Khi thiết kế nó, người ta đã áp dụng công thức "siêu thanh, siêu cơ động, khó phát hiện".
Dự án thiết kế trên giấy của MFI được trình bày trước Bộ tư lệnh Không quân và đã vượt qua bài thi trước Uỷ ban quốc gia. Nói chung, công tác thử nghiệm không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ.
Trên cơ sở những nghiên cứu và tìm kiếm được tiếp tục triển khai, người ta đã đưa ra các thay đổi đối với thiết kế. Những phát kiến mới được ứng dụng kể cả khi lắp đặt nguyên mẫu thử nghiệm tại nhà máy.
MiG-35. Ảnh: Russian Aircraft Corporation
Đến năm 1994, dự án đã có 6 thay đổi đáng kể, mà 4 trong số đó được áp dụng thử ngay trên nguyên mẫu thử nghiệm bay. Ban đầu dự kiến lắp đặt trên chiếc máy bay tiêm kích này các động cơ với ống phun thẳng, để giảm khả năng bị radar định vị phát hiện.
Tuy nhiên, thiết kế này lại khó thực hiện – lớp vách của ống phun bị cháy xem khi phân tán nhiệt độ. Thế nhưng các kỹ sư thiết kế động cơ, khi nghiên cứu chế tạo động cơ mới, đã hiện thực hóa được khả năng điều khiển vector lực đẩy của máy bay nhờ các ống phun hình tròn có thể điều chỉnh được – khả năng cơ động của MFI tăng lên gấp nhiều lần.
Cả khu vực bố trí vũ khí cũng phải chuyển đổi – nếu nhìn vào bức ảnh của MFI, thì nó không có những giá treo bom và tên lửa như thường thấy. Tất cả vũ khí được giấu bên trong thân của chiếc tiêm kích hạng nặng.
Thậm chí cả phương án khoang để vũ khí được bố trí ở phần trên của thân máy bay cũng được nghiên cứu, giúp nó dễ dàng phóng tên lửa nhằm vào các mục tiêu bay cao hơn và khi bay lượn với sự quá tải.
Nhưng vì trọng lượng khá nặng của các tên lửa, nên phải loại bỏ ý tưởng này – cần phải có các cần cẩu chuyên dụng khi nạp đạn ở sân bay dã chiến. Cuối cùng, khoang vũ khí được bố trí ở phần dưới bụng máy bay như thường lệ, nhưng ở bên trong thân.
MFI đáng lẽ phải được lắp đặt cả trạm radar định vị thế hệ mới với ăng-ten lưới mảng pha – hiệu quả hơn nhiều các trạm radar định vị thông thường với ăng-ten gương xoay.
Điểm mới là cả ăng-ten "chiếu hậu", giúp phát hiện được các mục tiêu phía sau lưng và đưa ra chỉ dẫn mục tiêu cho các tên lửa, bao gồm cả tên lửa phóng ngược – phóng ngược theo hướng bay của tiêm kích.
Những phát kiến mới được ứng dụng khi chế tạo MFI có thể liệt kê dài lê thê – "một quyển luận án tiến sĩ cũng không đủ!". Chiếc máy bay được cam kết trở thành tiêm kích thế hệ thứ 5, mà không có đối thủ trên thế giới. Nhưng nó không bao giờ trở thành như thế.
"Nó bay tốt, thể hiện mình rất ổn trên không, chiếc tiêm kích này đáng lẽ phải có tương lai tuyệt vời. Hơn nữa, nó được các đơn vị mong đợi. Tuy nhiên, vấn đề tài chính đã khiến nó bị khép lại – thời điểm vào đầu thập niên 90 không phải là dễ thở đối với lĩnh vực công nghiệp quốc phòng", , kỹ sư hàng không Ovanes Mikoyan, con trai kỹ sư trưởng huyền thoại của MiG hồi tưởng.
"Các chuyên gia hàng đầu bỏ đi, tiền tan biến đi đâu không rõ. MFI, về bản chất, bắt buộc phải đưa vào kho bảo quản. Sau đó, người ta quan tâm tới một chiếc tiêm kích khác – T-50 (Su-57). Kết quả như các bạn đã biết, MFI không cất cánh, còn thời hạn bàn giao Su-57 cho các đơn vị bị trì hoãn".
Su-57 còn "hạ đo ván" cả một thiết kế nữa của MiG – tiêm kích đa năng MiG-35 mà Bộ Quốc phòng Nga "dự kiến sẽ tiếp nhận" từ năm 2012.
Thực ra, tên gọi "MiG-35" có một thời được sử dụng để đặt tên cho dự án MiG-1.44, tuy nhiên cuối cùng tên gọi này lại được đặt cho một cỗ máy khác – phiên bản nâng cấp sâu các máy bay chiến đấu MiG-29M/M2 (MiG-29K/KUB cho lực lượng không quân tàu sân bay của Hạm đội hải quân Nga).
Bộ Quốc phòng Nga, từng dự định mua hơn 30 chiếc tiêm kích này (thực tế mới chỉ sản xuất được hai chiếc), không đưa vào kế hoạch tiếp nhận chúng cả đến năm 2020.
Mọi thứ vẫn là do mức giá khá cao của MiG-35. Các nguồn lực đã được tập trung đầu tư cho Su-57 và nâng cấp các tiêm kích hiện có như Su-30M2, Su-30Sm và Su-35S, cho nên triển vọng được sản xuất hàng loạt của MiG-35, với tất cả những ưu điểm và "một loạt những bất ngờ dành cho kẻ địch" mà người ta gán cho nó, không nhiều.
Kết cục của cuộc đối đầu tại các phòng làm việc giữa Su và MiG đang diễn ra không có lợi cho MiG. Suy cho cùng, Nga vẫn chưa có một chiếc tiêm kích thế hệ thứ năm thực sự và đông đảo. Tạm thời đành phải bay trên các máy bay thế hệ thứ tư 4+ và 4++.
Phòng thử nghiệm các bộ phận của máy bay Su-57
No comments:
Post a Comment