Đó là dự định giải phóng TP. Huế của Bộ Tư lệnh Mặt trận B4 hồi năm 1972. Và chút nữa điều đó đã thành sự thật.
Mũi vu hồi vào sườn TP. Huế - Một ý tưởng táo bạo
Ngày 30.3.1972, cuộc Tổng tiến công chiến lược Xuân Hè 1972 bắt đầu.
Trên mặt trận Quảng Trị, chỉ trong 2 ngày, Quân giải phóng (QGP) đã tiêu diệt một loạt cứ điểm phòng thủ vòng ngoài của phía Việt Nam cộng hòa (VNVH) như các điểm cao 544, 365, 241, Động Ngộ, Ba Hồ, Cồn Tiên, Dốc Miếu... Ba huyện phía Bắc tỉnh Quảng Trị là Hướng Hóa, Cam Lộ, Gio Linh gần như được giải phóng hoàn toàn.
Chiến dịch khởi đầu một cách thuận lợi. Trong hoàn cảnh đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã nghĩ đến một tình huống có khả năng xảy ra là QGP có thể nhân cơ hội này giải phóng luôn cả Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Tuy nhiên, do đây là địa bàn Quân khu I của VNCH nên lực lượng phòng thủ còn khá mạnh. Nếu chỉ đánh mạnh một cách trực diện từ phía Bắc vào thì rất khó khăn. Sẽ thuận lợi hơn nếu có một mũi vu hồi vào sườn hoặc phía Tây thành Huế.
Thực hiện quyết tâm đó, Bộ Tư lệnh Mặt trận quyết định đưa Sư đoàn Bộ binh 324 dịch chuyển xuống phía Nam cùng với Trung đoàn 6 của tỉnh Thừa Thiên Huế hình thành mũi vu hồi theo đường 12 xuống Huế.
Để tăng cường khả năng đột kích cho mũi tiến công này, Bộ Tư lệnh Mặt trận quyết định rút 2 đại đội xe tăng bao gồm 1 đại đội xe tăng hạng trung (T54 và T59) và 1 đại đội xe tăng bơi từ hướng Bắc đưa vào A Lưới.
Kế hoạch tiếp theo sẽ là tiến công theo trục đường 12. Đến phà Tuần, một đại đội sẽ vượt sông rồi cơ động theo đường bộ, một đại đội bơi theo dòng Tả Trạch (một nhánh của sông Hương) phối hợp cùng bộ binh tiến công như 2 mũi gươm thọc vào sườn Tây thành phố.
Trong lúc đó tăng cường sức ép từ phía Bắc vào thì chắc chắn Huế sẽ hết đường chống đỡ.
Đó quả thật là một ý tưởng vô cùng táo bạo và có phần lãng mạn của các nhà chỉ huy lúc đó. Và Đại đội XT4 (trang bị xe tăng T-59) của Tiểu đoàn 512, Trung đoàn 203 cùng với Đại đội XT3 (trang bị xe tăng bơi K63-85) của Tiểu đoàn 244, Trung đoàn 202 được lựa chọn để trao nhiệm vụ này.
Nhận được lệnh trên, hai đại đội XT đã khắc phục mọi khó khăn, tổ chức độc lập hành quân vào A Lưới. Do đường 14 Đông Trường Sơn chưa thông nên xe tăng phải vượt Trường Sơn sang Lào, khi đến sông Bạc lại theo đường B45 một lần nữa vượt Trường Sơn để về Việt Nam.
Đó là một chặng đường hành quân đầy khó khăn gian khổ nên ngày 7.5.1972, Đại đội XT4 mới đến được A Lưới. Còn Đại đội XT3 do xuất phát muộn hơn, gặp mùa mưa sớm phải đến ngày 1.7.1972 mới vào tới vị trí tập kết quy định.
Xác xe cộ và phương tiện quân sự bỏ lại ngổn ngang tại cửa biển Thuận An, khi quân VNCH tháo chạy cuối tháng 3/1975.
Cái kết gian nan nhưng có hậu
Nói chung, trong chiến tranh không phải mọi kế hoạch vạch ra đều hoàn thành mỹ mãn. Kế hoạch giải phóng Trị- Thiên- Huế trong năm 1972 đã không thực hiện được. Sau khi đẩy địch về đến sông Mỹ Chánh, giải phóng hoàn toàn Quảng Trị ngày 2.5.1972, tình hình mặt trận có nhiều thay đổi.
Không chấp nhận thất bại khó nuốt này, Mỹ đã quyết định "Mỹ hóa" trở lại một phần cuộc chiến tranh bằng cách tăng cường hỏa lực không quân và pháo hạm yểm trợ cho quân lực VNCH.
Cụ thể, từ tháng 5.1972, số máy bay chiến đấu của Mỹ trên chiến trường Việt Nam đã tăng vọt lên 1400 chiếc, gấp 5 lần so với dự kiến kế hoạch chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh".
Riêng về B52, Mỹ đã huy động đến hơn một nửa số "pháo đài bay" có trong tay để oanh tạc vào các mục tiêu nghi có QGP. Về hải quân, Mỹ cũng đã huy động một nửa số tàu sân bay và hai phần ba số tàu chiến của Hạm đội 7 trở lại tham chiến.
Bên cạnh đó, Mỹ còn cho máy bay đánh phá trở lại miền Bắc, phong tỏa cảng Hải Phòng bằng thủy lôi và đơn phương trì hoãn các cuộc họp tại Hội nghị Pa- ri.
Được sự hà hơi tiếp sức của Mỹ, chính quyền Sài Gòn đã tung ra mặt trận Trị- Thiên toàn bộ lực lượng trừ bị của Quân khu I và cả 2 sư đoàn trừ bị chiến lược là Sư đoàn Dù và Sư đoàn Thủy quân lục chiến, đưa lực lượng VNCH trên chiến trường này lên 4 sư đoàn gồm 13 trung đoàn bộ binh, 17 tiểu đoàn pháo binh, 5 thiết đoàn tăng thiết giáp.
Tướng Hoàng Xuân Lãm - Tư lệnh Quân khu I và Quân đoàn I bị cách chức. Thế vào đó là tướng Ngô Quang Trưởng- nguyên Tư lệnh Quân khu IV và Quân đoàn IV. Âm mưu của chúng: trước mắt ngăn chặn QGP phát triển tiến công vào Huế, đồng thời tích cực chuẩn bị cho một cuộc phản công quy mô lớn nhằm chiếm lại tỉnh Quảng Trị.
Trong lúc đó, mùa mưa năm 1972 đến sớm và có cường độ cao hơn trước rất nhiều. Có nhiều nguồn tin đáng tin cậy cho biết đó là kết quả sử dụng hóa chất gây mưa của Mỹ. Mưa lớn làm đường sá sạt lở, cản trở sự tiếp vận, hạn chế rất lớn sức tiến công của QGP.
Bởi vậy, trên hướng Bắc QGP buộc phải dừng lại ở tuyến sông Mỹ Chánh và lùi dần về tuyến sông Thạch Hãn. Còn trên hướng Tây, ý định đưa xe tăng theo đường 12 xuống phà Tuần cũng không thực hiện được.
Do vậy, kế hoạch tổ chức mũi tiến công vu hồi cũng không thành công. Kế hoạch giải phóng cả Trị Thiên Huế trong năm 1972 đã không thành hiện thực.
Phải đợi đến tháng 3.1975, ý định đó mới thành công. Do đã ém sẵn tại A Lưới nên ngày 23.3.1975 Đại đội XT4 đã bắt đầu tham chiến tại Núi Bông để rồi ngày 25.3 cùng Sư đoàn 325 tiến lên giải phóng TP. Huế từ phía Nam.
Quân giải phóng tiến vào cửa Ngọ Môn (Huế), sáng 26/3/1975.
Còn Đại đội XT3 đã cùng Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 thực hiện trận hành tiến tiến công vượt đèo Hải Vân, giải phóng Đà Nẵng ngày 29.3.1975.
Tiếp theo đó, trong đội hình Lữ đoàn 203 của cánh quân Duyên Hải, hai đại đội XT 3 và 4 đều lập công xuất sắc. Đại đội XT3 đã dẫn đầu đội hình chiến đấu chọc thủng "lá chắn thép" Phan Rang, mở đường cho đại quân tiến về phía Nam.
Còn Đại đội XT4 sau khi cùng bộ binh chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch ở Nước Trong đã dẫn đầu đội hình thọc sâu của quân đoàn đánh vào nội đô Sài Gòn.
Hai chiếc xe tăng 843 và 390 của đại đội đã húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập, đại đội trưởng Bùi Quang Thận đã cắm lá cờ Giải phóng lên nóc dinh, báo hiệu giờ toàn thắng.
Thật là một cái kết có hậu của một ý tưởng lãng mạn, một hành trình đầy gian nan, thử thách!
No comments:
Post a Comment