Hôm 2/4, Cơ quan Hợp tác An ninh - Quốc phòng Mỹ (DSCA) vửa ra thông báo, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo lên Quốc hội về việc "bật đèn xanh" cung cấp trực thăng MH-60 R Sea Hawk cho Ấn Độ theo chương trình mua sắm vũ khí nước ngoài (FMS).
DSCA cho biết, gói hợp đồng trị giá tới 2,6 tỷ USD cung cấp 24 trực thăng MH-60R Sea Hawk cùng một số lượng "khổng lồ" phụ kiện theo kèm.
Cụ thể, phía Ấn Độ muốn mua 30 bộ radar APS-153V; 60 động cơ T700-GE-401C; 1.000 phao thủy âm AN/SSQ-36/53/62; 10 tên lửa chống tăng Hellfire; 38 rocket APKWS 70mm; 70 kính nhìn đêm AN/AVS-9 và một số khí tài khác.
Nếu hợp đồng thành công, 24 chiếc MH-60R sẽ cho phép Hải quân Ấn Độ thực hiện một cách hiệu quả các nhiệm vụ chống hạm, chống tàu ngầm cùng với khả năng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, chuyển tiếp liên lạc....
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ bản hợp đồng này sẽ hỗ trợ chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia Mỹ thông qua việc tăng cường quan hệ chiến lược Mỹ-Ấn, cải thiện an ninh của Ấn Độ.
Mỹ coi Ấn Độ là một đối tác quốc phòng lớn và sẽ tiếp tục đóng vai trò là lực lượng quan trọng trong sự ổn định chính trị, hòa bình và tiến bộ kinh tế của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Nam Á.
MH-60R thả phao thủy âm tìm kiếm tàu ngầm.
Moscow thua thảm hại!
Đáng lưu tâm, Việc Ấn Độ mua sắm trực thăng MH-60R được cho là nhằm thay thế hoàn toàn các phi đội Ka-28, Sea King Mk 42B/C đã cũ.
Đặc biệt, trước khi Ấn Độ lựa chọn MH-60R, Moscow đã nỗ lực hết mình tiếp thị dòng trực thăng hiện đại hóa Ka-27 và Ka-32, nhưng họ đã thất bại.
Mặc dù còn một chặng đường dài nữa để Ấn Độ đạt được thỏa thuận sau cùng để 24 chiếc MH-60R tới nước này. Tuy nhiên, quyết định này đặt dấu chấm hết cho giai đoạn hàng chục năm máy bay săn ngầm Nga "thống trị" tại Ấn Độ.
Thật vậy, suốt hàng chục năm qua, Hải quân Ấn Độ chủ yếu sử dụng các dòng máy bay săn ngầm Il-38 và Tu-142 cùng trực thăng Ka-28 do Nga sản xuất.
Thế nhưng, mọi việc bắt đầu thay đổi kể từ năm 2018 khi Boeing tiếp thị máy bay săn ngầm mới P-8I Neptun - phiên bản xuất khẩu của P-8A Poseidon cho Hải quân Ấn Độ.
Tháng 1/2019, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đạt được thỏa thuận 2,1 tỷ USD với Mỹ về việc cung cấp 8 chiếc P-8I để thay thế cho dòng máy bay tuần thám Tu-142 thời Liên Xô.
Từ đây, vị thế máy bay săn ngầm Nga bắt đầu lung lay trong Không quân Hải quân Ấn Độ.
Không bao lâu sau khi thành lập phi đội trang bị P-8I năm 2015, tháng 3/2017, Ấn Độ "tống tiễn" Tu-142 về nơi "an nghỉ cuối cùng".
Với 5 chiếc Il-38 còn lại, có lẽ cũng chỉ ngoài năm 2020 khi Ấn Độ nhận thêm 4 máy bay P-8I (ký năm 2016) thì số này cũng sẽ được định đoạt nhanh và gọn!
Trực thăng săn ngầm MH-60R khi cần có thể tác chiến mạnh trên bộ với tên lửa chống tăng, rocket và súng máy.
Trong khi 14 trực thăng săn ngầm Ka-28 chắc cũng sẽ "khó sống" khi mà Ấn Độ đang "thèm" hơn bao giờ hết 24 chiếc MH-60R Seahawk làm được đủ thứ, hơn hẳn các máy bay Nga.
Nói chung, trong cuộc đua này, Moscow nếu có trách thì phải trách họ đã không thể chào hàng cho Ấn Độ một giải pháp khả thi hơn các máy bay Ka-28 không có gì mới mẻ hơn so với thời Liên Xô.
Ngược lại, từ phía Mỹ, với việc tích hợp nhiều giải pháp công nghệ hiện đại, họ đã tạo ra những chiếc trực thăng săn ngầm tiên tiến, không chỉ chống ngầm mà chống được cả hạm tàu mặt nước.
MH-60R rất lợi hại, Ka-28 "không có cửa đâu"!
MH-60R Seahawk là một trong những phiên bản mới và hiện đại nhất của dòng trực thăng hải quân SH-60 Seahawk do Sirkorsky sản xuất. Những chiếc MH-60R đầu tiên được triển khai trong Hải quân Mỹ năm 2006.
So với Ka-28, MH-60R Seahawk nổi bật hơn hẳn hẳn ở khả năng có thể tác chiến chống mục tiêu mặt nước hoặc trên đất liền với việc có thể trang bị tên lửa AGM-114 Hellfire.
Còn với nhiệm vụ chống tàu ngầm, MH-60R mang được tới 3 quả ngư lôi 324mm Mk50 hoặc Mk46.
Một ưu điểm lớn của MH-60R là việc nó tích hợp nhiều hệ thống điện tử tiên tiến gồm: radar đa chế độ APS-153; hệ thống trinh sát hồng ngoại - đo xa laser AAS-44; hệ thống định vị thủy âm AN/ASQ-22; hệ thống tác chiến điện tử ALQ-210...
Trong đó, hệ thống ALQ-210 bao gồm khả năng cảnh báo sớm phát hiện tên lửa AN/AAR-47; hệ thống gây nhiễu hồng ngoại ALQ-144 và pháo sáng gây nhiễu ALE-39...
Buồng lái bắt mắt của MH-60R - trông thế này ai mà chẳng thích!
Buồng lái trực thăng Mỹ "như thường lệ" được tích hợp 4 màn hình màu tinh thể lỏng 8x10inch hiển thị tham số kỹ thuật rất trực quan sinh động, khá bắt mắt với bất kỳ khách hàng nào.
Mặc dù nổi bật với hệ thống cánh quạt đồng trục đem lại khả năng cơ động tuyệt vời khi bay biển, nhưng rõ ràng thế là không đủ để Ka-28 "đấu" với MH-60R khi nói tới hệ thống điện tử.
Năng lực bay lượn của MH-60R dù dùng thiết kế trực thăng truyền thống nhưng "không phải dạng vừa đâu".
Nó có thể đạt tốc độ tối đa 267km/h, tầm bay gần 900km, trần bay khoảng 3.400m.
Khả năng "sống dai như đỉa" cũng là ưu điểm của dòng trực thăng săn ngầm Mỹ.
Theo nhà thiết kế, thân máy bay có thể chịu được đạn súng máy cỡ nhỏ hay các vụ nổ đạn pháo cỡ trung.
Ngoài ra, bình xăng máy bay có thể tự liền khi bị bắn trúng tránh rò rỉ xăng dầu gây cháy nổ; các cánh quạt chính có thể chống được cả đạn 23mm; hệ thống thủy lực và điện đều có dự phòng khi khẩn cấp...
Nhìn chung, những gì mà Ka-28 làm được thì MH-60R có thể làm tốt hơn nữa, muốn trở lại lực lượng săn ngầm Ấn Độ có lẽ người Nga cần cái gì đó mới mẻ hơn Ka-28.
Video khả năng tác chiến của trực thăng MH-60R.
No comments:
Post a Comment