Sai lầm lớn nhất - Hậu quả khôn lường
Libya , dưới thời Muammar Gaddafi, đã triển khai một trong những không đoàn máy bay chiến đấu thế hệ 3 lớn nhất thế giới, với vài trăm chiếc MiG-23, tiêm kích-bom Su-22, và tiêm kích đánh chặn MiG-25 Foxbat trong biên chế, bổ sung cho mạng lưới phòng không với thành phần chủ lực là các tổ hợp S-200 và 2K12 KuB.
Các biến thể nâng cấp của MiG-21, với cảm biến, hệ thống điện tử hàng không thế hệ 3, và nhiều loại đạn dược, cũng được triển khai với số lượng lớn.
Ban đầu, các phương tiện tác chiến đường không này là chỗ dựa của Libya nhằm bảo vệ quốc gia của họ trước một cuộc tấn công tiềm năng từ Mỹ và đồng minh châu Âu, hoặc từ Ai Cập (đồng minh của phương Tây) trong những năm 1980.
Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, và Libya nối lại quan hệ với khối phương Tây đầu những năm 2000, thì nước này đã có phần sao lãng lực lượng không quân, trong việc hiện đại hóa cũng như bảo dưỡng và nâng cấp các máy bay hiện có.
Vấn đề nổi cộm này từng được Saif Al Islam - con trai của cựu Tổng thống Gaddafi đề cập tới vào thời điểm Libya đang phải hứng chịu đợt tấn công đường không dữ dội của lực lượng phương Tây. Đây được xem là sai lầm lớn nhất của Libya, hậu quả mà quốc gia này phải đối mặt vô cùng nghiêm trọng.
Tiêm kích MiG-21 của Libya
Mặc dù không đoàn tiêm kích của Libya rất lớn nhưng do không được hiện đại hóa và tiến hành các khâu bảo dưỡng cơ bản, phần lớn số máy bay không đủ khả năng tham chiến để bảo vệ không phận, chống lại các cuộc tấn công từ phương Tây.
Do đó, các chiến đấu cơ phương Tây tập trung vào vô hiệu hóa đường băng và phá hoại hệ thống hậu cần của quân đội Libya, khiến cho các máy bay chiến đấu của quốc gia này nằm chết dí dưới mặt đất.
LNA hay GNA chiếm ưu thế về không quân?
Hiện nay, khi cuộc chiến giữa lực lượng Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) và lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) do tướng Haftar lãnh đạo bùng nổ, thì sức mạnh không quân lại một lần nữa được bàn tới.
Trong đó, lực lượng LNA đang nhận được sự hẫu thuận từ nhiều phía, như Nga, Ai Cập, UAE.
Một số nguồn tin cho biết, LNA được Nga và Ai Cập hỗ trợ tân trang các máy bay chiến đấu của họ, chủ yếu là MiG-21 và MiG-23.
Hiện Ai Cập vẫn đang vận hành hàng trăm chiếc MiG-21, trong khi Nga đang duy trì một phi đoàn dự trữ quy mô lớn các tiêm kích MiG-23 được hiện đại hóa sâu sau khi chúng được đưa ra khỏi lực lượng tác chiến tiền phương cuối những năm 1990.
Theo tạp chí Military Watch, Nga được cho là đã chuyển giao vài chiếc trong số này cho LNA để giúp họ chiếm ưu thế đường không.
Không những thế, lực lượng không quân của LNA còn được tăng cường thêm nhờ các chiến đấu cơ từ Ai Cập và UAE.
Trong đó, Ai Cập được cho là đã cung cấp cho LNA các tiêm kích MiG-21MF vẫn đang hoạt động trong biên chế của họ.
Và mặc dù UAE không có nhiều chiến đấu cơ Liên Xô trong biên chế nhưng nước này được cho là đã đặt mua 4 trực thăng tấn công Mi-35P từ Belarus vào tháng 4/2015 và sau đó chuyển giao cho Libya.
Những đợt cung cấp phụ tùng và hỗ trợ bảo dưỡng máy bay từ Ai Cập cũng được chứng minh là "vô giá" với Libya.
Các phương tiện đường không trên đã được LNA sử dụng để thiết lập vùng cấm bay ở tây Libya từ 8/4/2019.
Tiêm kích MiG-21 và MiG-23 của Không quân Libya.
MiG-25 Foxbat là mẫu máy bay chiến đấu mạnh nhất hiện nay trong biên chế Libya, với cảm biến mạnh mẽ và tên lửa không-đối-không R-40 mang đầu đạn cỡ lớn nặng 100kg. Nó có tốc độ nhanh chất trong số các chiến đấu cơ có khả năng tham chiến ở Libya hiện nay (trên Mach 3) và có khả năng chiếm lĩnh bầu trời.
Tuy nhiên, phần nhiều giống với cuộc tấn công năm 2011 của phương Tây vào Libya – khi các máy bay Foxbat không đóng vai trò đáng kể nào trong chiến lược phòng thủ quốc gia, thì lần này, với nhu cầu bảo dưỡng cao, các tiêm kích hạng nặng MiG-25 cũng mang ít tính thiết thực hơn so các thiết kế đơn giản như MiG-21 và MiG-23.
Hiện LNA có 14 chiếc MiG-21, 2 chiếc Su-22, khoảng 12 chiếc MiG-23, và 7 trực thăng Mi-24/35 có khả năng hoạt động. Điều này giúp họ chiếm ưu thế đáng kể trước đối thủ GNA (do phương Tây hậu thuẫn) bởi GNA chỉ triển khai chưa đầy 10 máy bay chiến đấu, trong đó có 1 tiêm kích MiG-25.
Chiếc MiG-25 thứ hai của GNA đã được đại tu trước đó và sẵn sàng tham chiến nhưng nó đã gặp tai nạn ngay trong chuyến bay đầu tiên. Mức độ phức tạp khiến MiG-25 không phải là mẫu máy bay lý tưởng để triển khai trong cuộc nội chiến – nơi có điều kiện hậu cần hạn chế.
Thực tế, MiG-25 được thiết kế để hoạt động trên bầu trời châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương, nó sẽ được triển khai từ các căn cứ được bảo vệ kỹ lưỡng của Liên Xô – nơi nguồn nhiên liệu và phụ tùng được đảm bảo.
Mặc dù lực lượng máy bay có sự cách biệt nhưng cả 2 phe đối lập tại Libya đều đang đối mặt với chung một tình trạng: Các phi công được đào tạo ngày càng ít ỏi, nhiều phi công đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu hiện nay đã quá độ tuổi về hưu.
Phần lớn trong số các phi công này được đào tạo từ những năm 1980 nhăm chuẩn bị cho cuộc xung đột tiềm năng với Mỹ.
Tiêm kích MiG-25 Foxbat của Không quân Libya.
Hiện tại một số nguồn tin cho biết, các phi công trẻ của Libya đang được đào tạo tại Học viên Không quân Ai Cập để vận hành MiG-21 nhưng có lẽ khi cuộc xung đột bước vào hồi kết, họ mới có thể sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Bất chấp hạn chế này, cần phải thừa nhận rằng, lực lượng máy bay chiến đấu của LNA đã mang lại cho họ ưu thế lớn trước đối thủ, và cho phép họ tiến hành các cuộc không kích thường xuyên nhằm vào những mục tiêu giá trị cao như sân bay và trung tâm chỉ huy của đối thủ.
Nếu cuộc chiến hiện nay kéo dài tới những năm 2020 thì lợi thế của LNA sẽ càng được củng cố hơn, bởi khi ấy các máy bay chiến đấu mới đã sẵn sàng chiến đấu và phi công mới đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
No comments:
Post a Comment