F-35 Lightning II là dự án máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 do Tập đoàn Lockheed Martin phát triển cho Không quân, Hải quân Mỹ và cả các nước đồng minh thân cận trong bối cảnh Washington không thể xuất khẩu F-22.
Sự ra đời của F-35 từng được nhiều quốc gia thân Mỹ kỳ vọng sẽ giúp nâng cao sức mạnh trên không của mình mà không tốn quá nhiều tiền tự phát triển, sản xuất.
Tuy nhiên, các vấn đề kỹ thuật liên tục nảy sinh trong quá trình thử nghiệm đã khiến chương trình máy bay chiến đấu tưởng như "đơn giản" lại hóa thành một "mớ bòng bong" khiến nước Mỹ đau đầu.
Tính đến nay, thứ khiến người ta nhớ nhiều nhất tới F-35 là "chương trình máy bay chiến đấu đắt đỏ nhất lịch sử" - ước tính chi phí cho việc phát triển tới nay đã ở mức 1,5 nghìn tỷ USD. Nói không ngoa, những con ốc trên F-35 chắc có thể quy ra cả cân vàng.
Đã có thời điểm tưởng như nước Mỹ sẽ bỏ qua F-35, dẫu vậy nhìn cả "tấn tiền" đã bỏ ra thì chẳng ai dại thế cả. Chương trình F-35 vẫn tiếp tục, với sự hỗ trợ từ nhiều bên rốt cuộc Lockheed Martin bắt đầu chuyển hàng cho đối tác và sớm nhận được "trái ngọt".
Qua mặt S-300, S-400 - F-35 "vụt sáng thành sao"!
Một trong những quốc gia đồng minh tiếp nhận F-35 khá sớm là Không quân Israel (IAF) - lực lượng chiến đấu trên không bất bại ở khu vực Trung Đông và vẫn thường xuyên "thực chiến" hàng năm.
Tháng 12/2017, 9 chiếc F-35 đầu tiên đi vào phục vụ trong IAF. Nửa năm sau, tháng 5/2018, Israel đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới, sớm hơn cả Mỹ sử dụng F-35 để chiến đấu.
Nhiều nguồn tin cho rằng, tiêm kích tàng hình F-35 đã thực hiện một phi vụ ở Syria, nhưng các quan chức IDF nói rằng chiếc F-35 đã "bay khắp Trung Đông" mà không để bị phát hiện.
Tháng 9/2018, Thủy quân Lục chiến Mỹ lần đầu tiên sử dụng tiêm kích F-35 không kích mục tiêu Taliban ở Afghanistan.
Tuy nhiên, vụ không kích "đáng giá" nhất hứa hẹn đưa F-35 trở thành "ngôi sao" là màn thử lửa ngày 27/3/2019 tại chiến trường Syria.
F-35 vừa kiếm được chút ít thành tích chói lóa tại Trung Đông.
"Đáng giá" là bởi vì ở Syria lúc này Nga đã trang bị cho Damascus tổ hợp tên lửa S-300 hiện đại từ tháng 10/2018. Phòng không Nga cũng trở nên cứng rắn hơn so với trước đây sau thảm kịch Il-20M. Cho nên mặt trận Syria lúc này là nơi đáng để thử các vũ khí tối tân nhất.
Với chiến thuật tài tình đầy bất ngờ, Không quân Israel đã sử dụng F-35 thành công bay hành trình dài qua không phận Jordan, Iraq mà không để "ai thấy" rồi ung dung vào vùng trời Aleppo ném bom chính xác vào các mục tiêu rồi trở về.
Chuyến dạo chơi qua 3 nước Trung Đông của IAF bằng F-35 đã khiến Nga - Syria "cứng họng", các loại tên lửa được giới thiệu là hiện đại nhất bất lực hoàn toàn.
Tuy không có bình luận nào ca ngợi nhưng rõ ràng sự thành công của phi vụ ngày 27/3 như là "liều thuốc tăng lực" đưa F-35 trở thành tiêm kích tàng hình đáng mơ ước.
Nó gián tiếp giúp Lockheed Martin nói riêng và nước Mỹ nói chung tiếp tục bán được thêm nhiều F-35 hơn để bù vào số tiền chi phí phát triển.
Dẫu vậy, "niềm vui chẳng tày gang", chưa đầy nửa tháng sau chương trình F-35 lại có nguy cơ tụt xuống "đáy bùn".
F-35 mất tích: Đen thôi rồi!
Đêm ngày 9/4, giới quân sự Mỹ ở châu Á chết lặng trước tin khẩn một máy bay F-35A thuộc Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (JSDF) mất tích khi đang bay huấn luyện.
Nhiều giờ trôi qua, đến sáng 10/4, mọi hi vọng về kỳ tích chấm hết khi người ta tìm thấy mảnh vỡ máy bay. F-35 đã rơi xuống biển, phi công mất tích!
"Thôi xong, đen gì mà đen thế" - Thật vậy, vừa có chút "ánh hào quang bên bờ vực đen tối", chương trình tiêm kích tàng hình F-35 lại có nguy cơ rơi xuống sâu hơn xuống "địa ngục" bởi sự cố ở Nhật Bản.
Nguyên nhân vụ việc thì xem ra phải tìm được hộp đen, tuy nhiên thiệt hại bước đầu đã thấy rõ. Ngay ngày hôm sau, JSDF đã cho ngừng bay toàn phi đội F-35A cho tới khi tìm ra được nguyên nhân thảm kịch.
Hiện thời người ta chưa thể nói được gì nhiều vì lý do tại sao chiếc F-35 lại biến mất trên bầu trời. Tuy nhiên, chắc chắn một trong những nguyên nhân chính nhất sẽ được nhắc nhiều tới tấn thảm kịch là do độ tin cậy kém của dòng máy bay này.
Dù muốn dù không thì chương trình F-35 với Nhật Bản chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng sau thảm kịch.
Đã từng có báo cáo về vấn đề liên quan tới hàng loạt khí tài trên máy bay như mũ phi công tích hợp hệ thống hiển thị; hệ thống bơm nhiên liệu để lại nhiên liệu trên bề mặt máy bay; hệ thống cấp điện dự phòng không an toàn...
Thậm chí, F-35 còn được đánh giá là không thể chịu được sét đánh, bị cấm không hoạt động ở khu vực thường xuyên có dông tố.
Nguy hiểm hơn, đã từng có kết luận rằng F-35 không thể cất cánh hoặc động cơ bị tắt đột ngột nếu nhiên liệu tiếp cho nó đang ở nhiệt độ trên 40 độ C. Việc này khiến công tác bảo trì, tiếp nhiên liệu ở vùng khí hậu nhiệt đới trở nên rắc rối (phải xây bãi đỗ râm mát, gắn máy làm mát xe bồn).
Các quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Australia, Israel... sẽ vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra việc F-35 sẽ không thể cất cánh khi nhiệt độ vượt quá ngưỡng cho phép vào mùa hè.
Đó là chưa kể các vấn đề về sơn tàng hình, tham số kỹ thuật bay thậm chí thua cả máy bay chiến đấu thế hệ khi thử nghiệm...
Quá nhiều lỗi, không rõ sau đó Lockheed Martin khắc phục được chúng hay không thì không ai nhắc tới! Có thể có và cũng có thể là không vì quá tốn kém để thiết kế lại hay sửa gì đó...
Câu trả lời chính xác bây giờ nằm trong tay Mỹ và Nhật Bản. Ngay bây giờ họ phải khẩn trương tìm cho ra xác máy bay càng sớm càng tốt.
Cỏn nếu trong trường hợp xấu nhất, không tìm được xác máy bay và hộp đen, thảm kịch F-35A đêm 9/4 sẽ trở thành "nghi án" luôn cản trở "con đường công danh" của dòng máy bay này
Thậm chí, chẳng thể loại trừ khả năng trước sức ép từ công luận giới chức Nhật Bản có thể ngừng mua dòng tiêm kích tàng hình F-35. Đó sẽ là thiệt hại khủng khiếp cho Mỹ và Lockheed Martin!
Thật vậy, trong quá khứ khi Mỹ triển khai dòng máy bay MV-22 Osprey tới Nhật Bản, họ đã chịu sự phản ứng dữ dội từ người dân Nhật vì lo ngại tính an toàn của dòng máy bay lắm tai nạn này.
Và nay cái sự "đen đủi" của F-35 có thể trở thành "nạn nhân kế tiếp" của dư luận.
Ngoài ra, tấn thảm kịch này cũng có thể gián tiếp ảnh hưởng tới đơn hàng F-35 khác vẫn đang chờ chuyển giao. Ví như Hàn Quốc - quốc gia đồng minh Mỹ ở châu Á đã đặt mua 12 chiếc, dù ít nhưng không loại trừ việc họ sẽ suy nghĩ lại.
Tóm lại, Washington lúc này nên tổng lực huy động mọi thứ cố mà tìm cho ra xác chiếc F-35 và nhất là phi công mất tích để tìm hiểu chính xác chuyện gì đã xảy ra cho "đứa con cưng" của họ.
Có làm rõ được nguyên nhân và có phương án khắc phục thì F-35 mới sớm trở lại bầu trời từ đáy vực sâu. Và những đồng USD mới tiếp tục chảy thêm vào nước Mỹ bù đắp phần nào cho khoản 1,5 nghìn tỷ đã tiêu tốn cho chương trình F-35 "đen thôi rồi"!
F-35A của Nhật Bản có gì đặc biệt?
Phiên bản F-35A mà Lockheed Martin xuất khẩu cho Nhật Bản là thiết kế nhỏ và nhẹ nhất của dòng tiêm kích tàng hình F-35.
So với các phiên bản F-35B hay F-35C, F-35A trang bị khẩu pháo trong thân GAU-22/A 25mm được đánh giá hiệu quả hơn khẩu M61 Vulcan 20mm trong các máy bay thế hệ 4 khi chống mục tiêu mặt đất.
F-35A không chỉ tương đương với F-16 về độ cơ động, phản ứng nhanh, chịu trọng lực G cao, nhưng còn vượt trội ở tính tàng hình, tải trọng, tầm bay với nhiên liệu chứa bên trong, thiết bị dẫn đường, sử dụng hiệu quả, hỗ trợ và khả năng sống sót.
Nó được trang bị động cơ turbofan PW F135 cho tốc độ tối đa 1.930km/h, tầm bay 2.200km, tải trọng vũ khí 8,1 tấn gồm cả khoang bom trong thân và giá treo ngoài.
Video Nhật Bản triển khai chiếc F-35A đầu tiên.
No comments:
Post a Comment