Khalifa Belqasim Haftar, một Người lính – Sĩ quan cao cấp Libya , một điển hình của tham vọng chính trị định hướng bởi quân sự, theo nhiều cách, là đại diện của sự mâu thuẫn ngay trong mỗi con người Libya.
Haftar đã từng là đồng đội của Gaddafi, nhưng bị thất sủng sau cuộc chiến tranh với nước láng giềng Chad. Haftar đã bị người Chad giam cầm, bị Gaddifi ngoảnh mặt làm ngơ, và CIA đã chìa bàn tay ra để đón ông nhằm xây dựng lực lượng lật đổ Gaddafi.
Nhưng cuối cùng trong cuộc nội chiến giữa các quân phiệt hậu Gaddafi, Haftar lại quay sang cộng tác với người Nga.
Vào những tháng đầu năm 2019 những người lính của lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) dưới quyền ông đang đe dọa lật đổ chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) do người Mỹ hậu thuẫn ở thành trì cuối cùng - Tripoli.
Chúng ta cùng đi ngược dòng lịch sử để trả lời câu hỏi: Haftar là ai và thất bại thảm hại của Libya tại Chad ảnh hưởng đến sự nghiệp của Haftar như thế nào? Và tại sao người Mỹ lại đánh mất Haftar.
Haftar ở đâu trong cuộc phiêu lưu của Gaddafi ở Chad (1980-87)
Con đường đến với quyền lực của Haftar bắt đầu như một người lính trẻ trong một cuộc đảo chính do Gaddafi lãnh đạo chống lại vua Idris năm 1969.
Giống như Gaddafi, Haftar đến từ bộ lạc Bedouin và tin rằng quân đội sẽ là cứu cánh của Libya. Nhưng đất nước rơi thẳng sang chế độ độc tài và sau đó là chiến tranh khi Gaddafi xâm chiếm nước láng giềng Chad.
Haftar ôm Gaddafi trong những ngày đầu của cuộc đảo chính năm 1969
Libya bắt đầu can thiệp vào Chad từ đầu những năm 1970, khi Gaddafi bắt đầu ủng hộ phiến quân chống chính phủ của Mặt trận Giải phóng Quốc gia Chad (FROLINAT).
Năm 1975 Libya chiếm đóng và sau đó sáp nhập khu vực Aouzou, một khu vực rộng 70.000 km2 ở phía bắc Chad tiếp giáp với biên giới phía nam Libya.
Động thái của Gaddafi được thúc đẩy bởi tham vọng cá nhân và lãnh thổ, mối quan hệ bộ lạc và sắc tộc giữa người dân miền bắc Chad và miền nam Libya, và quan trọng nhất là sự hiện diện trong khu vực của các mỏ uranium cần cho sự phát triển chương trình nguyên tử.
Sự can thiệp của Libya đã dẫn đến sự kiểm soát trên thực tế đối với khu vực phía bắc của Chad và ba giai đoạn của xung đột một cách công khai (1980-81, 1983 và cuối năm 1986).
Điểm chung của các cuộc tấn công của Libya vào lãnh thổ Chad là đối thủ mà họ muốn tiêu diệt, nhóm vũ trang Hissein Habré do Pháp hậu thuẫn và Gaddafi liên tục dựng các con rối của ông lãnh đạo chính phủ Chad.
Giai đoạn từ 1980 tới 1983, Libya đã có những thắng lợi ngoạn mục trước Hissein Habré, tuy nhiên cuộc phiêu lưu nào cũng phải tới hồi kết. Sự can thiệp của 3.000 quân Pháp đã chấm dứt chuỗi thành công của Libya và dẫn đến sự phân chia Chad.
Libya duy trì quyền kiểm soát tất cả các lãnh thổ ở phía bắc vĩ tuyến 16, còn ở phía nam vĩ tuyến là người Pháp và Hissein Habré. Theo thỏa thuận hòa bình năm 1984, Pháp đã rút quân tháng 11/1984, nhưng Libya đã bí mật phân tán các đơn vị của họ trong miền bắc Chad.
Hình minh họa: Cuộc chiến Libya - Chad thường được gọi là Chiến tranh Toyota do số lượng xe bán tải tham gia rộng rãi ở phía lực lượng Chad do Pháp cung cấp
Cho tới tháng 12/1986, người dân bắc Chad đã quá chán ngán với sự cai trị của Gaddafi và bắt tay với lực lượng Habré cùng với chính phủ Chad.
Thất bại đầu tiên là một đội quân đồn trú Libya 1.000 người tại Fada bị tiêu diệt, Hissein Habré tuyên bố đã bắt giữ và phá hủy một số lượng lớn xe tăng Libya.
Tới tháng 3/1987, căn cứ không quân chính của Libya là Wadi Doum đã bị các lực lượng Chad tấn công. Mặc dù căn cứ được bảo vệ bởi 5.000 lính, xe tăng, xe bọc thép và máy bay và các bãi mìn, những người lính phòng thủ Libya đã thua trước một lực lượng tấn công Chad nhỏ hơn và chỉ được trang bị xe tải gắn súng máy và các tên lửa chống tăng vác vai.
Và Haftar, lúc này là một vị tướng chỉ huy lực lượng Libya đã bị Hissein Habré bắt sống cùng với 300 tù binh Libya ở Wadi Doum. Ước tính 1700 binh lính Libya đã thiệt mạng trong và xung quanh căn cứ.
Gaddafi đã ra lệnh cho không quân ném bom xe cơ giới cũng như binh lính Libya ở căn cứ để phủ nhận việc có can thiệp vào cuộc chiến này. Những người lính Libya hoảng loạn đã phải chịu tổn thất rất lớn khi chạy trốn qua các bãi mìn do chính họ cài.
Hai ngày sau đó, binh lính Libya đã tháo chạy khỏi căn cứ chính của họ là Faya Largeeau, cách Wadi Doum hơn 150 km về phía nam đang có nguy cơ bị bao vây.
Một chiếc xe tăng của Libya bị bỏ lại tại Wadi Doum trong thất bại năm 1987
Con bài đang trượt khỏi bàn tay của người Mỹ
Dưới ánh mặt trời chói chang và bầu trời trời sa mạc trong vắt, nhóm điệp viên CIA đang cùng với một chỉ huy đối lập Libya, Khalifa Haftar dạy một nhóm chiến binh chiến thuật tấn công.
Vào thời điểm này ở những năm 1980, họ mơ về ngày về nhà và lật đổ Muammar Gaddafi.
Khi bị giam cầm ở Chad và bị Gaddafi từ chối, Haftar đã chấp nhận lời đề nghị tự do của Hoa Kỳ để đổi lấy việc đào tẩu và gia nhập một lữ đoàn phiến quân, Quân đội Quốc gia Libya (LNA).
Nhưng sau đó mọi thứ đã thay đổi. Cùng với việc chiến tranh lạnh kết thúc, Libya mất đi tầm quan trọng chiến lược và CIA đã cắt giảm tài trợ cho lữ đoàn của Haftar.
Cuộc gặp gỡ nổi tiếng của Tony Blair trên sa mạc với Gaddafi năm 2004 tượng trưng cho sự trở lại của Libya đối với sự tôn trọng quốc tế. LNA đã trở thành quá khứ.
Cuộc nổi dậy ở Libya bắt đầu năm 2011 là một bước ngoặt với Haftar, ông đã quay trở lại Benghazi khi cuộc nổi dậy bắt đầu nhưng không có sự giúp đỡ của người Mỹ.
Anh, Pháp và các quốc gia vùng Vịnh đã cử các cố vấn quân sự và lực lượng đặc biệt và cuối cùng là không kích của NATO trong khi chính quyền Obama cố giữ khoảng cách.
Haftar bị rớt hạng xuống vị trí thứ hai trong lực lượng phiến quân sau cựu giám đốc tình báo của Gaddafi, Abdel Fatah Younis. Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (phiến quân) không muốn anh ta vì những liên hệ trong quá khứ với Gaddafi."
Vũ khí hạng nặng của LNA di chuyển phía nam Tripoli hôm 31/3
Tuy nhiên, từ thị trấn phía đông Bayda, ông tập hợp sự ủng hộ khi những người Hồi giáo nắm quyền kiểm soát quốc hội và các chỉ huy quân đội phàn nàn về sức mạnh ngày càng gia tăng của các dân quân bộ lạc.
Ngay sau đó Haftar đã phát biểu trên truyền hình tố cáo chính phủ GNA và tuyên bố sẽ lật đổ nó.
Cuộc chiến mà Khalifa Haftar đang tiến hành chống lại chính phủ thay thế Gaddafi, những người mà ông cáo buộc che giấu những kẻ khủng bố có vẻ là một sự thành công hơn nhiều những gì họ kỳ vọng.
Haftar tấn công các chiến binh Hồi giáo ở miền đông và miền nam Libya. Các đơn vị quân đội chủ chốt, các đảng phái chính trị và lực lượng vũ trang bộ lạc đã tập hợp dưới ngọn cờ của ông. Các động thái của Haftar đối với chính phủ GNA ở thủ đô Tripoli đang được theo dõi chặt chẽ cả trong và ngoài nước.
BM-21 Grad của LNA di chuyển phía nam Tripoli hôm 31/3
Các liên kết cũ của Haftar với CIA đã được những kẻ thù tố cáo ông ta là một "đặc vụ" người Mỹ. Nhưng thực tế thì Hoa Kỳ đã từ chối ủng hộ ông và ngược lại Haftar cũng đã phủ nhận việc liên lạc với Washington.
Một số cựu quan chức tình báo cấp cao của Hoa Kỳ nói rằng họ không tin rằng Hoa Kỳ đang ủng hộ Haftar.
Thay vào đó, việc mở rộng hiện tại của ông ta nên được coi là một phép thử về sự ủng hộ của Mỹ trong tương lai bằng cách cho thấy rằng lực lượng LNA của ông có thể đối đầu với các chiến binh Hồi giáo và giành chiến thắng, Haftar đã tự đặt mình trở thành một nhân vật mà phương tây không thể bỏ qua.
"Ông ta thể hiện như một kẻ "ngớ ngẩn". Người Mỹ có xu hướng đánh giá thấp Haftar do quan niệm ông ta là một ông già khá khó tính. Nhưng thực tế là ông ta có thể giành chiến thắng, bất kể chiến thắng ở Libya có nghĩa là gì."
Xe tăng LNA tập hợp tại ngoại vi Tripoli
Các nhà phân tích so sánh Haftar với chỉ huy quân đội Ai Cập Tổng thống Abdel-Fatah al-Sisi, người đã lật đổ Tổng thống thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo được bầu Mohamed Morsi.
Haftar, giống như Sisi, được cho là có sự hậu thuẫn nhiệt tình của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Haftar thậm chí đã tạo ra một Hội đồng tối cao của các lực lượng vũ trang, trùng tên với thực thể tương tự của quân đội Ai Cập.
Theo các cựu quan chức Mỹ, một trong những động lực chính cho Haftar và những người ủng hộ tài chính của ông, những người Libya giàu có tham gia vào công nghiệp dầu mỏ và những người nước ngoài muốn hợp tác với họ là tái hợp tác với người Mỹ ở Libya.
Họ trở nên kinh hoàng khi xảy ra vụ tấn công Benghazi vào lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Benghazi vào tháng 9/2012 gây ra cái chết của đại sứ và 3 người Mỹ khác. Chính quyền Obama vào thời điểm đó đã quyết định Libya quá mất an toàn và rời bỏ.
Thái độ trên có thể thay đổi nếu Haftar thành công trong việc đánh bại những kẻ Hồi giáo cực đoan ở Libya. Nhưng một đối thủ khác của người Mỹ đã từng bước đặt chân lên Libya – người Nga.
Cho tới hiện tại Benghazi, nỗi ám ảnh của người Mỹ lại là căn cứ của hàng trăm lính đánh thuê người Nga và những quan chức trung thành với Haftar hiện đang được người Nga trực tiếp bảo vệ.
No comments:
Post a Comment