Tạp chí quốc phòng Jane's dẫn lời quan chức chính phủ Malaysia cho hay, nước này sẽ tìm cách tận dụng nguồn tài nguyên dầu cọ để hỗ trợ mua sắm vũ khí trang bị quân sự.
Ông Tersa Kok - Bộ trưởng các ngành công nghiệp chính của Malaysia cho biết, việc đổi dầu cọ lấy các tài sản sẽ giúp duy trì việc làm ở địa phương, bảo tồn ngân sách nhà nước cũng như tăng cường khả năng quốc phòng.
"Chúng tôi hoan nghênh các hợp đồng hàng đổi hàng như vậy, điều này sẽ giúp tiết kiệm ngoại hối trong khi thúc đẩy việc bán dầu cọ", ông Kok trả lời báo chí địa phương hôm 17/4.
Dầu cọ là một trong những mặt hàng quan trọng của Malaysia, đóng góp gần 5% GDP năm 2018 (tương đương khoảng 15 tỷ USD).
Tuy nhiên, gần đây việc xuất khẩu dầu cọ của Malaysia sang các nước châu Âu đã gặp khó khăn sau quyết định của Nghị viện châu Âu về việc cấm sử dụng dầu cọ sản xuất nhiên liệu sinh học vào năm 2020.
Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Kok, Nga - một trong những khách hàng nhập khẩu dầu cọ lớn nhất của Malaysia gần đây đã tuyên bố sẵn sàng đổi vũ khí lấy dầu cọ.
Đổi Su-35 lấy dầu cọ: Điên hay khôn!
Theo đó, bên thềm triển lãm LIMA 2019, ông Viktor Kladov - Giám đốc chính sách khu vực và hợp tác quốc tế Tập đoàn Nhà nước Rostec nói với tờ New Straits Times rằng, Nga sẵn sàng mua dầu cọ Malaysia với số lượng đáng kể để cải thiện cán cân thương mại song phương. Ngoài ra, Nga sẵn sàng đổi vũ khí, chuyển giao công nghệ để lấy dầu cọ.
"Chúng tôi nhận thức được lệnh cấm vận dầu cọ của Liên minh châu Âu đối với Malaysia và sẵn sàng giúp họ. Hiện tại 90% dầu cọ của Nga được nhập khẩu từ Indonesia và chúng tôi dự định thay đổi điều đó", ông Viktor Kladov cho hay.
Hiện vẫn chưa rõ mặt hàng quân sự mà Kuala Lumpur muốn có từ Moscow hay Nga sẽ trao loại vũ khí nào cho Malaysia để đổi về dầu cọ.
Tuy nhiên, xét tình hình hiện tại, không loại trừ khả năng Malaysia có thể muốn đổi dầu cọ lấy máy bay tiêm kích Su-35 đang "nóng thị trường vũ khí" hay thậm chí tương lai có thể là cả máy bay tàng hình Su-57E.
Malaysia có thể đổi dầu cọ lấy Su-35 và Su-57E.
Nếu điều này thành hiện thực, chắc hẳn không ít người tỏ ra khó hiểu, thậm chí có thể coi đây là thương vụ điên rồ. Bởi trong giao dịch thương mại, "tiền tươi" vẫn luôn được các nhà bán hàng yêu thích nhất.
Mua hiện vật bằng hiện vật thì phía bên bán gặp khá nhiều vấn để về việc chuyển đổi sản phẩm mình nhận được.
Dẫu vậy, lần lại lịch sử mua bán vũ khí giữa Malaysia và Nga thì hóa ra trong quá khứ hai bên từng có giao dịch tương tự.
Điển hình là thương vụ Malaysia mua 18 máy bay tiêm kích MiG-29N Fulcrum năm 1995.
Hay năm 2003, Malaysia nhập khẩu 18 chiếc Su-30MKM hiện đại với tổng giá trị 900 triệu USD đều có liên quan tới việc đổi dầu cọ.
Cho nên có lẽ nếu điều này xảy ra tiếp với Su-35 hay Su-57E thì có lẽ chỉ tạo ra "cú sốc" nhỏ.
Thực tế, tính chung thì phía bán hàng vẫn được lợi sau đó, bởi hợp đồng quốc phòng không không chỉ bao gồm chiếc máy bay mà bao hàm theo vũ khí, dịch vụ sau bán hàng...
Việc bảo dưỡng, đại tu máy bay cũng bắt buộc phải có sự hỗ trợ từ đơn vị bán hàng, đó là những nguồn lợi lớn và lâu dài với Moscow.
Đẩy vũ khí Tây Âu khỏi Malaysia: Cơ hội trời cho!
Bên cạnh đó, đổi Su-35 hay các vũ khí khác lấy dầu cọ Malaysia có thể giúp Moscow mở rộng thị phần vũ khí ở Đông Nam Á. Bởi bấy lâu nay, Malaysia được biết tới là chủ yếu sử dụng các công nghệ quốc phòng phương Tây.
Ví dụ, Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF) ngoài việc sử dụng MiG-29N và Su-30MKM thì họ đang duy trì 8 máy bay tiêm kích F/A-18D và 13 chiếc BAE Hawk 208.
Tiêm kích F/A-18D của Malaysia.
Trong mấy năm gần đây, RMAF tính đến kế hoạch hiện đại hóa lực lượng không quân chiến đấu, thay thế F/A-18 và cả Hawk. Đây rõ ràng là "cơ hội trời cho" để máy bay Nga "độc chiếm" bầu trời Malaysia.
Lệnh cấm nhập dầu cọ từ châu Âu không chỉ khiến Malaysia phải tìm nguồn mua hàng khác, mà còn khiến Kuala Lumpur "nổi trận lôi đình" tuyên bố việc này ảnh hưởng tới quyết định mua sắm máy bay.
"Nếu họ tiếp tục hành động chống lại chúng tôi, chúng tôi sẽ nghĩ đến việc mua máy bay từ Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác", Bernama trích dẫn lời Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad.
Và trong khi Bắc Kinh chưa đáp lời thì Moscow đã "nhanh chân" lấy chỗ trước.
Ngoài máy bay chiến đấu, RMAF có kế hoạch thay thế toàn bộ phi đội máy bay huấn luyện Aermacchi MB339. Đó là cơ hội cho Yak-130!
Cũng theo ông Kladov, Cơ quan Thực thi hàng hải Malaysia bày tỏ quan tâm tới các máy bay trực thăng Ansat, Mi-8/17 và Ka-32A11DC.
Nhìn chung, rất nhiều cơ hội sẽ được mở ra cho Moscow từ "bước nhượng bộ" chấp thuận đổi dầu cọ lấy vũ khí. Cũng có thể họ chịu thiệt bước đầu từ thương vụ kiểu này, nhưng cái lợi rất lớn nằm ở phía sau.
Video Su-30MKM trình diễn tại triển lãm quốc phòng LIMA 2019
No comments:
Post a Comment