Hành trình đến cái đích cuối cùng của Đại đội xe tăng 4 Lữ đoàn 203 đó là một hành trình dài hàng nghìn km với nhiều trận đánh ác liệt và trận đánh mở màn cho hành trình đó chính là trận Núi Bông ngày 23.3.1975.
Chốt chặn hướng Tây Nam của cố đô Huế
Những ngày cuối tháng 3.1975, trên mặt trận Trị Thiên tình hình thay đổi rất nhanh. Trên hướng Bắc, các đơn vị của tỉnh Quảng trị đã áp sát bờ sông Mỹ Chánh. Trên hướng Nam, Sư đoàn 325 đã cắt được một đoạn đường Quốc lộ 1. Huế đã bị cô lập và rơi vào tình trạng "cá nằm trên thớt".
Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975.
Tuy nhiên, tướng Ngô Quang Trưởng vẫn hô hào "tử thủ" và đang tung ra những nỗ lực cuối cùng nhằm cầm chân Quâng giải phóng (QGP). Hắn tăng cường binh lực và trang bị cho hệ thống các cứ điểm phía Tây Nam Huế nhằm ngăn chặn hướng tiến công chủ yếu của Quân đoàn 2, trong đó có núi Bông.
Với độ cao khoảng 200 mét, lại nằm án ngữ ngay cạnh con đường 14 - huyết mạch nối Huế với cao nguyên Trung phần (đường 14 cũ xuất phát từ La Sơn, Phú Lộc, TTH) - núi Bông có vị trí hết sức quan trọng. Với vị trí như vậy, núi Bông được xây dựng thành một cứ điểm mạnh, giữ vai trò chốt chặn hướng tiến công từ phía Tây Nam lên Huế.
Để mở đường cho đại quân xuống được đồng bằng giải phóng Huế, Bộ tư lệnh (BTL) quân đoàn 2 quyết định phải nhổ được chốt chặn núi Bông. Tuy nhiên, một trung đoàn của Sư đoàn 324 đã bắt đầu tiến công cứ điểm này từ ngày 20.3 song không thành công.
Trước tình hình đó, BTL Quân đoàn 2 quyết định đưa 2 Trung đoàn 1 và 2 của Sư đoàn 324 vòng tránh núi Bông, Mỏ Tàu để xuống đồng bằng. Đồng thời tung Đại đội xe tăng 4 tăng cường cho Trung đoàn 3 tiêu diệt bằng được núi Bông.
Đánh chiếm cầu Thị Nghè sáng 30/4/1975.
Rời hậu cứ từ ngày 20.3, sau 3 ngày hành quân vượt qua những con đường quân sự làm gấp, đêm 21.3 Đại đội XT4 đã có mặt tại đỉnh dốc Động Truồi. Tại đây, đơn vị tạm dừng làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Đại đội trưởng Thận cùng 3 cán bộ chiến sĩ đi trinh sát thực địa. Tuy nhiên, chỉ có 5/7 xe đến đích vì 2 xe hỏng không theo kịp.
21 giờ ngày 22.4, Đại đội XT4 nhận lệnh đi đánh núi Bông. Song có một nghiêm lệnh truyền đến mọi lái xe: "Không được bật đèn!". Lý do: Động truồi cao gần 1000 mét, từ trên đi xuống nên dẫu chỉ 1 que diêm cũng bị ở dưới phát hiện ra và ngay lập tức pháo ở Mỏ Tầu sẽ hỏi thăm ngay.
Cũng may, trăng Mồng 10 tuy không sáng vằng vặc nhưng cũng tạm đủ để nhìn thấy con đường mờ mờ trước mắt. Với lại, do đường 14 đã lâu không có cơ giới qua lại nên lau lách hai bên đường tốt um, có thể dựa vào khoảng trống trên đầu để phán đoán đường đi phía trước.
Sau gần trọn một đêm mò mẫm, 5 giờ sáng ngày 23.3 toàn bộ 5 xe của Đại đội XT4 đã đến chân dốc và còn cách núi Bông khoảng 4 km. Đúng lúc ấy, hỏa lực chuẩn bị bắt đầu bắn vào cứ điểm. Các xe được lệnh "Dỡ cố định!" để bước vào chiến đấu.
Thế là tất cả những gì cố định ngoài xe được cấp tốc dỡ bỏ. Từ khí tài dự bị, lương thực thực phẩm, nồi niêu xoong chảo cho đến quân tư trang... tất cả được quăng xuống ven đường và giao cho 2 pháo hai dự bị trông nom.
Ngay sau khi dỡ xong cố định, toàn đại đội lập tức xuất kích với tốc độ cao nhất lên chiếm tuyến triển khai trên một sườn đồi cách núi Bông khoảng hơn 1 km và bắt đầu bắn. Những nòng pháo 100 mm liên tục khạc lửa tham gia vào đoạn cuối của hỏa lực chuẩn bị. Tuy nhiên, lúc này chỉ còn 3 xe vì xe 387 đã trúng mìn, cản đường tiến của 390.
Xe tăng QGP đánh chiếm Dinh Độc Lập trưa 30/04/1975. Ảnh tư liệu.
Bãi lầy trên sườn núi và trận tập kích hỏa lực bất đắc dĩ
Pháo hỏa chuẩn bị đã chuyển làn. Có lệnh "Xung phong". Đường cơ động đã được công binh đánh dấu bằng những mảnh giấy trắng gắn trên ngọn lau. Sau khẩu lệnh chỉ huy đơn vị, xe của đại đội trưởng Bùi Quang Thận lao lên đầu tiên. Tiếp ngay sau đó là các xe 381, 380.
Nhưng có một điều gì đó bất thường đang xảy ra. Cái triền đồi nối giữa tuyến triển khai và núi Bông khá bằng phẳng và bạt ngàn lau le tưởng là cứng chắc hóa ra là một bãi lầy và trở thành cái bẫy đối với những cỗ xe tăng nặng hơn 30 tấn.
Lần lượt 2 xe 386 và 381 sa lầy. Riêng 380 phát hiện ra sớm kịp lùi lại nên thoát bẫy, tiếp tục bắn vào tiền duyên địch.
Lúc này, đội hình đại đội được bổ sung thêm xe tăng 390 của chính trị viên Vũ Đăng Toàn. Sau khi 390 kéo được xe 381 lên, cả 2 xe đấu lại mới kéo được xe của đại đội trưởng Thận lên vì lầy quá nặng. Trog khi đó, pháo địch bắn mạnh vào đội hình. Nguy hiểm nhất với các chiến sĩ bộ binh là những loạt pháo "chơm" bung nổ dày đặc trên đầu.
Sau những cố gắng tìm đường tránh không thành công, toàn đại đội dàn thành đội hình hàng ngang dùng hỏa lực bắn vào cứ điểm chi viện cho bộ binh. Với khoảng cách chỉ hơn 1000 mét, xe dừng tại chỗ bắn, trời lại quang đãng nên các mục tiêu rõ mồn một và sau mỗi phát đạn 100 mm, một công sự địch lại tung lên.
Các chiến sĩ xe tăng 843 ở Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975.
Vậy là trận tiến công quân địch phòng ngự trong công sự trở thành trận tập kích hỏa lực "bất đắc dĩ". Tuy vậy, hiệu quả của nó lại rất cao.
Đến gần trưa thì quân dịch trong cứ điểm không thể chịu đựng nổi và bắt đầu rút chạy. Đại đội trưởng Thận điện xin sở chỉ huy cho truy kích nhưng cấp trên không đồng ý và thông báo cho biết đoạn đường 14 dưới chân Núi Bông rất nhiều mìn.
Cũng vì vậy, mặc dù chốt chặn núi Bông đã bị tiêu diệt song xe tăng và các lực lượng cơ giới của quân đoàn 2 vẫn chưa "xộc" thẳng xuống Đường 1 được. Các lực lượng công binh của quân đoàn 2 phải xử lý mất hơn 1 ngày đoạn đường 14 dưới chân núi Bông mới sạch mìn.
Trận đánh mở màn cho hành trình của Đại đội XT4 dù có những "trục trặc" song đã giành thắng lợi rực rỡ. Tuy nhiên, ngày hôm đó cán bộ chiến sĩ toàn đại đội đành gặm lương khô, uống nước lã bởi toàn bộ lương thực thực phẩm cũng như nồi niêu, xoong chậu... đã vội vàng quẳng hết xuống để kịp thời gian bước vào chiến đấu.
No comments:
Post a Comment