Ấy vậy mà họ đã hoàn thành 30.000 cuộc oanh tạc và thả hơn 23.000 tấn đạn dược để cản bước tiến của quân đội Đức Quốc xã trong 4 năm Thế chiến II. Chưa hết, điều thú vị là trung đoàn này gồm toàn phụ nữ.
Thời kỳ cao điểm của Thế chiến II, bóng đen bao trùm các trận chiến, và rồi một cơn ác mộng xuất hiện trên bầu trời của quân Đức Quốc xã: Nữ biệt đội phù thủy đêm .
Đó là cái tên mà quân Đức đặt cho nỗi khiếp đảm vào ban đêm của họ - một nữ biệt đội phi công Nga thực hiện các cuộc oanh tạc từ những chiếc máy bay làm bằng gỗ ọp ẹp trông chẳng khác nào chổi của phù thủy.
Mặc dù với sức mạnh và lòng quả cảm mạnh mẽ như vậy nhưng "Phù thủy đêm" gần như đã bị quên lãng trong lịch sử. Chỉ trong thời gian gần đây, nhờ nỗ lực của Kate Quinn, một trong những cây bút ăn khách nhất của New York Times, câu chuyện của họ mới được làm sống lại.
Trong cuốn tiểu thuyết lịch sử mang tên "The Huntress" (tạm dịch là "Nữ thợ săn") xuất bản hồi tháng 2-2019, Quinn dựa phần nhiều vào nội dung phỏng vấn những nhân vật còn lại và tập hợp thành cuốn "Dance with Death: Soviet Airwomen in World War II" (tạm dịch là "Múa với tử thần: Nữ phi công Liên Xô trong Thế chiến II").
"Phù thủy đêm" nhận mệnh lệnh cho cuộc bố ráp tiếp theo.
Trong các cuộc phỏng vấn, những cựu nữ phi công này đã chia sẻ niềm đam mê thực hiện các chuyến bay sau những ngày nữ phi công và nhà văn người Mỹ Amelia Earhart trở thành tâm điểm của thế giới.
Thủ lĩnh của "Phù thủy đêm"
Sự hình thành của biệt đội Phù thủy đêm là do ý tưởng của thượng tá Marina Raskova - người được mệnh danh là một "Amelia Earhart của Liên Xô". Amelia Earhart là người phụ nữ đầu tiên được nhận huân chương Distinguished Flying Cross của Mỹ vì đã trở thành người phụ nữ đầu tiên bay một mình xuyên Đại Tây Dương.
Thượng tá Marina Raskova của Liên Xô cũng được sánh ngang với Amelia Earhart. Danh tiếng này không chỉ vì Raskova là nữ hoa tiêu đầu tiên của Không quân Liên Xô mà còn vì bảng thành tích với nhiều chuyến bay xa.
Thời gian đó, thượng tá Raskova đã nhận được những bức thư của phụ nữ Liên Xô bày tỏ mong muốn tham gia chiến đấu trong Chiến tranh Thế giới II. Mặc dù ở thời điểm đó, phụ nữ được phép tham gia với vai trò hỗ trợ, song nhiều phụ nữ muốn trực tiếp cầm súng và trở thành phi công trong những tuyến đầu của cuộc chiến.
Với không ít người, mong muốn cầm súng này bắt nguồn từ nỗi đau mất chồng, cha, người thân và làng bản. "Khi chứng kiến máy bay Đức bay dọc theo các con đường mà người dân đang sơ tán ở phía dưới, nã súng máy vào họ, khiến trong lòng tôi muốn đánh trả họ", Nadezhda Vasiliyevna Popova, một trong những nữ phi công được phỏng vấn chia sẻ.
Raskova đã xem xét nghiêm túc mong muốn của họ và đã nộp bản kiến nghị lên Joseph Stalin để có thể thành lập một trung đoàn gồm các nữ phi công cùng chiến đấu chống Đức Quốc xã (đồng thời vận động để những phụ nữ Liên Xô có thể được đứng trong hàng ngũ quân dự bị).
Theo quy định trước đó, nữ giới không được tham gia chiến đấu. Trong khi đó, tháng 6-1941, Adolf Hitler tiến hành Chiến dịch Barbarossa, chiến dịch xâm lược Liên Xô quy mô lớn.
Máy bay Polikarpov Po-2 của "Phù thủy đêm".
Đến mùa thu năm đó, quân Đức siết chặt Moskva, Leningrad bị thất thủ và Hồng quân đã phải vật lộn với cuộc chiến. Liên Xô lúc đó trong tình trạng tuyệt vọng. Trước sức ép cản bước kẻ thù, ban lãnh đạo Xôviết đã có một lý do để xét lại chính sách sử dụng nữ giới trong chiến tranh.
Và tháng 10-1941, Stalin chấp thuận yêu cầu của bà và ra lệnh thiết lập 3 biệt đội không quân nữ. Stalin đã đứng ở tuyến đầu tiến trình lịch sử khi Liên Xô trở thành quốc gia đầu tiên cho phép nữ giới thực hiện các chuyến bay có sứ mệnh chiến đấu.
Raskova nhanh chóng lập đội. Cuối cùng, biệt đội không quân duy nhất độc quyền chỉ huy của phụ nữ là trung đoàn máy bay ném bom 588 - biệt danh là "Phù thủy đêm" - nơi nữ giới đảm nhiệm mọi vị trí từ phi công đến chỉ huy và thợ cơ khí.
Năm 1942, việc tập hợp trung đoàn bắt đầu tiến hành ở Engels, một thị trấn nhỏ phía bắc Stalingrad. Khoảng 400 phụ nữ nhập ngũ phần lớn là sinh viên có độ tuổi từ 17-26, tham gia khóa huấn luyện tại Trường Hàng không Engels.
Họ phải trải qua khóa huấn luyện căng thẳng, kỳ vọng học được các kỹ năng chỉ trong vài tháng so với các khóa huấn luyện thông thường mất vài năm. Mỗi học viên phải tập huấn và thực hành các kỹ năng của phi công, hoa tiêu, sửa chữa và điều hành dưới mặt đất.
Ban ngày, cuộc sống của họ ở những hầm ngầm đầy ắp lời ca tiếng hát và chờ cho đến khi mặt trời lặn. Khi màn đêm buông xuống, họ trở thành "những cỗ máy sát thương". Sứ mệnh đầu tiên của họ là vào ngày 28-6-1942 khi nhắm vào trụ sở của quân Đức Quốc xã.
Bay vào trận chiến với "chổi phù thủy"
Những nữ phi công trẻ này được cấp phát đồng phục nhưng lại rộng thùng thình đối với họ vì những bộ đồng phục này là dành cho nam. Một số người thậm chí còn phải xé ga trải giường của mình để nhét vào ủng cho khỏi bị tuột ra khỏi chân.
Chưa hết, họ chỉ được cấp trang thiết bị lạc hậu. Máy bay của họ chẳng khác nào máy bay dùng trong nông nghiệp để rải hóa chất cho cây, chứ không phải loại máy bay chiến đấu.
Chiếc máy bay này mang tên Polikarpov Po-2, một loại máy bay 2 tầng cánh, 2 chỗ ngồi và buồng lái mở, được chế tạo từ gỗ dán bọc bằng vải bạt. "Nó giống như một cỗ quan tài có cánh", Steve Prowse, tác giả kịch bản phim "The Night Witches" (Phù thủy đêm) chia sẻ.
Nó không cung cấp bất kỳ sự bảo vệ nào từ mọi yếu tố. Vào ban đêm, các nữ phi công phải nghiến răng chịu đựng nhiệt độ dưới 0 độ C, gió lạnh và nguy cơ bị tê cóng. Trong mùa đông khắc nhiệt của Liên Xô, chỉ cần chạm vào máy bay băng giá có nguy cơ bị mất da ngay lập tức.
Hơn nữa, những chiếc máy bay loại này lại quá nhỏ bé nên chỉ có thể mang theo 2 quả bom cho mỗi lần bay. Sức nặng của bom khiến những chiếc máy bay gỗ này phải bay ở độ cao thấp hơn, khiến chúng dễ trở thành mục tiêu, do đó chúng chỉ thực hiện nhiệm vụ trong đêm.
Thêm vào đó, những máy bay này có những bất lợi đáng kể như bay chậm, dễ bốc cháy và không được bọc thép. khi bay dưới làn hỏa lực của kẻ thù, phi công phải né bằng cách bay ở chế độ lặn (hầu như không có máy bay nào mang theo đạn dược phòng thủ).
Tuy nhiên, chúng lại đem lại một vài lợi thế thiết thực. Một lợi thế đáng kể là chính vì cấu trúc nguyên thủy của máy bay nên hệ thống radar của đối phương không dễ gì có thể phát hiện ra "Phù thủy đêm".
Và khi bay gần đến mục tiêu, phi công sẽ ngắt động cơ và để ở chế độ lượn. Tốc độ lượn của máy bay cũng chậm ở mức chỉ bằng một nửa tốc độ của một lính nhảy dù. Và ở trên mặt đất, quân Đức không có hệ thống cảnh báo nào trừ âm thanh của các máy bay ở chế độ tàng hình khi chúng lượn ở phía trên mục tiêu của họ.
Chiến thuật "tàng hình" trong đêm
Để tạo ra những đợt tấn công gây thiệt hại nặng nề cho đối phương, trung đoàn đã cử tới 40 thủy thủ đoàn một đêm, mỗi thủy thủ đoàn gồm 2 thành viên.
Mỗi người sẽ thực hiện từ 8-18 chuyến bay một đêm, liên tục trở lại căn cứ để nạp đạn. "Một người cố gắng bay 7 lần lên tuyến đầu và quay trở lại", Irina Rakobolskaya, Tham mưu trưởng của "Phù thủy đêm" trả lời phỏng vấn trong một bộ phim tài liệu ngắn của NBC News.
"Cô ấy quay lại, nạp thêm bom mới, nạp nhiên liệu, và lại lên đường đánh bom vào mục tiêu. Đó là cách chúng tôi hoạt động". Nadezhda Popova - một nữ chỉ huy huyền thoại của biệt đội với 852 lần thực hiện sứ mệnh đã từng bay 18 lượt thành công chỉ trong một đêm.
Cách thức mà các nữ phi công sử dụng kỹ thuật lượn ở "chế độ tàng hình" đã tạo ra loại âm thanh chổi phù thủy đặc trưng của họ. "Tín hiệu cảnh báo duy nhất mà quân Đức có được là tiếng bay lạo xạo như tiếng chổi quét. Những chiếc máy bay của họ quá nhỏ để có thể bị lộ diện trước sóng radar... hoặc bị phát hiện trên những thiết bị định vị bằng tia hồng ngoại", Steve Prowse nói.
"Họ không bao giờ sử dụng tín hiệu radio vì vậy hệ thống định vị sóng radio cũng không thể phát hiện ra họ. Họ chẳng khác nào những bóng ma", Prowse ví von. Quân Đức trở nên sợ hãi đến nỗi họ tuyệt nhiên không châm thuốc vào ban đêm để không bị "Phù thủy đêm" phát hiện.
Quân Đức rất kinh ngạc về kỹ năng đáng kể của "Phù thủy đêm". Theo tác giả Prowse, quân Đức có 2 giả thuyết giải thích cho sự thành công của nữ biệt đội này:
Họ có thể là những tội phạm bậc thầy về ăn cắp nên đã được đưa ra chiến trường như một hình phạt hoặc chính quyền Liên Xô tăng cường thị lực cho phụ nữ bằng thuốc thử nghiệm để cung cấp cho họ một loại thị lực giống như mắt mèo có thể nhìn xuyên thấu màn đêm.
Và quân đội Đức đã đối phó bằng cách tự động cấp huy chương Iron Cross uy tín cho bất kỳ lính Đức nào có thể bắn hạ một trong các máy bay của nữ biệt đội này.
Họ luôn bay theo nhóm 3: 2 máy bay sẽ đóng vai trò là mồi nhử, khiến đối phương phải sục sạo đèn rọi và súng. Sau đó, 2 máy bay này biến mất theo 2 hướng ngược nhau và xoắn mạnh để tránh súng phòng không. Chiếc thứ 3 sau đó sẽ bay trong bóng tối, hướng tới mục tiêu và thả bom.
Trình tự này sẽ tiếp tục cho đến khi cả 3 máy bay đã thả hết cả bom được giao. Như những gì được kể lại, biệt đội 588 này đã thả hơn 23.000 tấn bom vào các mục tiêu của Đức. Vì vậy, họ trở thành "khí tài quý giá" của Liên Xô trong chiến thắng Thế chiến II trước quân Đức.
Không phép thuật
"Phù thủy đêm" sử dụng tốc độ bay chậm làm lợi thế vì loại tốc độ này giúp họ có được khả năng cơ động hơn. Ngoài ra, máy bay Đức được cử để đối phó với họ lại bay với tốc độ nhanh hơn rất nhiều.
Do đó, quân Đức chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn để nã đạn trước khi họ phải tạo ra một hướng rẽ rộng để quay trở lại một vòng bay mới. "Phù thủy đêm" lợi dụng khoảng thời gian chuyển tiếp nói trên của đối phương để trốn vào bóng tối.
Nhưng không phải tất cả đều trốn thoát. Trong suốt cuộc chiến, 32 phi công của "Phù thủy đêm" đã không bao giờ trở về sau chuyến bay, trong đó có thượng tá Raskova khi bà tham gia tuyến đầu.
Khi Raskova hy sinh, bà đã được tổ chức lễ tang theo nghi thức quốc gia đầu tiên của Thế chiến II và tro cốt được lưu giữ tại điện Kremlin.
Trong khi đó, 23 phi công trong đó có Popova đã sống sót và được trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô. "Tôi nhìn lên bầu trời tối đen, nhắm mắt và hình dung cái thời con gái lái máy bay ném bom rồi tự hỏi, làm thế quái nào mà mình lại làm được thế nhỉ", Popova tâm sự trong một cuộc phỏng vấn.
Chuyến bay cuối cùng của họ là ngày 4-5-1945 khi biệt đội bay trong phạm vi 60km của Berlin. 3 ngày sau, quân Đức chính thức đầu hàng. Tổng cộng, những nữ anh hùng táo bạo này đã thực hiện hơn 30.000 sứ mệnh, tương đương khoảng 800 sứ mệnh cho mỗi phi công và hoa tiêu.
Trung đoàn "Phù thủy đêm" đã giải tán 6 tháng sau khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc. Tuy nhiên, "Phù thủy đêm" đã không được "góp mặt" trong cuộc diễu hành ngày chiến thắng ở Moscow do máy bay của họ quá chậm.
Mặc dù vậy, những phi công táo bạo này là những người phụ nữ có kỹ năng đáng kinh ngạc và lòng can đảm vô bờ bến.
Thậm chí, họ còn tổ chức lễ kỷ niệm cho phái nữ của mình bằng cách vẽ hoa ở hai bên thân máy bay và tô môi bằng bút chì điều hướng. Và trong mọi thời cuộc, họ đã ghi hình tạc bóng trong lịch sử bằng cách hoàn thành một số chiến công đáng chú ý nhất từng thấy trong cuộc chiến trên không.
No comments:
Post a Comment