Các cuộc giao chiến trên không giữa Ấn Độ và Pakistan vào hai ngày 26-27/2/2019 tiếp sau vụ tấn công khủng bố ở Pulwama đã để lại những hàm ý khá thú vị, có thể đem đến sự thay đổi quan trọng trong lực lượng vũ trang Ấn Độ.
Hậu quả từ vụ tập kích Balakot và trận không chiến một ngày sau đó đã làm bùng phát cuộc tranh luận gay gắt trong công chúng Ấn Độ về những vấn đề liên quan tới công nghệ quân sự và vai trò quyết định của nó trong chiến tranh hiện đại.
Khả năng tác chiến của máy bay đối thủ, các loại tên lửa tấn công ngoài tầm nhìn, hệ thống tác chiến điện tử (EW) nhằm vô hiệu hóa tên lửa đối phương, các phương tiện Chỉ huy và Cảnh báo sớm trên không (AWACS), hệ thống điều khiển mặt đất... đã được đưa ra thảo luận sôi nổi.
Cuộc xung đột quân sự kéo dài 90 giờ đồng hồ đã kết thúc trong bế tắc khi cả hai bên đều chứng tỏ quyết tâm và khả năng chiến đấu của mình. Tuy nhiên, hệ quả từ trận chiến chớp nhoáng đó đã gây ra mối lo ngại nghiêm trọng với Ấn Độ, quốc gia có nền kinh tế và ngân sách quốc phòng lớn hơn nhiều so với Pakistan.
Tên lửa Agni-V trong lễ duyệt binh tại New Delhi ngày 26/1/2013. Ảnh: CNN
Sớm hay muộn thì chính phủ tiếp theo ở Ấn Độ cũng sẽ phải đối diện với thực tế: Nếu không giành được một lợi thế quân sự với công nghệ áp đảo so với Pakistan thì khó mà đe dọa trừng phạt Islamabad.
Vũ khí hạt nhân và môi trường quốc tế không cho phép Ấn Độ giành được một chiến thắng tuyệt đối trước Pakistan. Ngoài kiểu đánh "ăn miếng, trả miếng" Ấn Độ có hai lựa chọn khó khăn để thực hiện: hành động ở mức dưới ngưỡng chiến tranh mà không huy động lớn lực lượng mặt đất hoặc phát động một cuộc chiến ở quy mô hạn chế.
Thế nhưng, với vai trò là một cường quốc có trách nhiệm và là nền kinh tế lớn trên thế giới, việc chủ động hoặc buộc phải tiến hành một cuộc chiến có giới hạn với Pakistan không nằm trong lợi ích của Ấn Độ.
Về mặt kinh tế, Ấn Độ có tất cả mọi thứ để mất so với một Pakistan nghèo nàn. Vì vậy, lựa chọn tốt nhất vẫn nên để cuộc chiến có giới hạn là một lựa chọn theo kiểu Kế hoạch B, trong khi Kế hoạch A sẽ là các hoạt động được duy trì ở dưới ngưỡng của một cuộc chiến giới hạn. Nhưng thành công của chiến lược này sẽ vẫn phụ thuộc vào lợi thế công nghệ quân sự áp đảo.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân INS Chakra của Hải quân Ấn Độ
Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, Islamabad đã thu hẹp tương đối khoảng cách về khía cạnh công nghệ so với New Delhi. Ấn Độ vẫn có một lợi thế về quân số nhưng yếu tố này sẽ chỉ phát huy trong một cuộc chiến kéo dài.
Điều đó buộc Quân đội Ấn Độ phải đạt được một bước nhảy vọt về lượng trong công nghệ nhưng lại phải cần rất nhiều tiền. Vấn đề này có thể giải quyết theo hai hướng: Tăng ngân sách quốc phòng lên 3% GDP từ mức 1,44% như hiện nay và tối ưu hóa quy mô quân đội.
Lợi thế công nghệ mà Ấn Độ cần phát triển phải lớn tới mức Pakistan không thể theo đuổi kịp, ít nhất là xét về mặt kinh tế.
Trong tình huống giả định nêu trên, có lẽ Ấn Độ nên tập trung vào hai khía cạnh công nghệ quân sự: Trang bị các máy bay vũ trang không người lái như Predator và các hệ thống phòng thủ tầm xa như S 400. Cả hai hoàn toàn nằm trong tầm với của Ấn Độ trong tương lai gần.
Những hệ thống vũ khí sử dụng đầu đạn dẫn đường chính xác cùng với sự hỗ trợ của các phương tiện EW hiện đại sẽ giúp Ấn Độ gia tăng khả năng cả trên bộ, trên không và trên biển.
Tất nhiên, Pakistan có thể mua được các hệ thống tương tự nhưng công nghệ hiện đại phụ thuộc rất nhiều vào tiềm lực kinh tế. GDP của Ấn Độ gấp 8 lần GDP Pakistan và ngân sách quốc phòng cũng lớn hơn gấp 5 lần.
Có lẽ, chỉ có cải cách an ninh quốc gia toàn diện, tối ưu hóa quy mô quân đội và tăng ngân sách quốc phòng lên 3% GDP mới đảm bảo cho Ấn Độ tạo ra được một lợi thế về công nghệ quân sự áp đảo mà Pakistan không thể so sánh được.
Su-30 MKI của không quân Ấn Độ tác chiến
No comments:
Post a Comment