Giải đấu Tank Biathlon 2018 năm nay được tổ chức tại thao trường Alabino (Tây Nam Maxcơva) từ ngày 28.7 đến ngày 11.8.2008 với sự tham gia của 22 đội đến từ 4 châu lục: Âu, Á, Phi, Mỹ La- tinh.
Vòng chung kết của giải đã được tổ chức với sự tham gia của 4 đội: Nga, Kazachstan, Belarus và Trung Quốc.
Vào lúc 23h (giờ Hà Nội) ngày 11.8, giải đấu đã khép lại với ngôi quán quân thuộc về đội chủ nhà Nga, đội Trung Quốc xếp thứ hai, đội Belarus xếp thứ ba và đội Kazachstan xếp thứ tư. Đó là những kết quả xứng đáng với sự phấn đấu không mệt mỏi và quyết tâm rất cao của các tuyển thủ.
Nhìn chung, đây là một giải đấu được nước chủ nhà đầu tư thích đáng về mọi mặt, được tổ chức chặt chẽ, khoa học và an toàn, đạt được các mục tiêu đề ra đồng thời rất bổ ích với tất cả các nước tham gia.
Xe tăng Type-96B Trung Quốc đua với xe tăng T-72B3 Kazakhstan trong trận chung kết.
Là giải đấu đỉnh cao về kỹ năng sử dụng trang bị vũ khí
Nhìn chung, các bài thi đấu cả từ vòng loại, vòng bán kết cho đến vòng chung kết đều được thiết kế để có thể đánh giá các kỹ năng chủ yếu của các kíp xe. Cụ thể:
Kỹ năng lái xe vượt mọi địa hình, phát huy cao nhất các tính năng kỹ thuật của trang bị.
Kỹ năng sử dụng mọi loại vũ khí trang bị để tiêu diệt mục tiêu
Trình độ hiệp đồng chiến đấu giữa các thành viên trong kíp xe và giữa kíp xe với sở chỉ huy.
Để đánh giá kỹ năng lái xe, đường lái được thiết kế có đầy đủ các dạng địa hình đặc trưng như đường thẳng, đường dốc, đường cua gấp và các chướng ngại vật phổ biến mà xe tăng hay gặp như: đường rắn lượn (tránh cọc giữa), bãi mìn, ngầm, hào chống tăng, đường mấp mô, vách đứng...
Xe tăng Trung Quốc liên tiếp đâm đổ cọc.
Để đánh giá kỹ năng sử dụng vũ khí có đủ các loại mục tiêu: xe tăng, súng chống tăng, máy bay trực thăng và có sự nâng lên giữa các vòng. Ở vòng loại, các kíp xe được tại chỗ bắn pháo song từ vòng 2 trở đi, các kíp xe phải bắn pháo diệt mục tiêu trong trạng thái hành tiến bắn.
Để thực hiện tốt hai kỹ năng này, tất nhiên phải có sự hợp đồng chặt chẽ và sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên của kíp xe.
Có một điều khá thú vị và hấp dẫn ở điều lệ giải đấu này là tất cả quy về thời gian: khi phạm quy phải dừng xe ở vị trí phạt để kiểm tra trang bị, khi bắn không hạ được một mục tiêu thì phải chạy một vòng phạt. Vì vậy, ngay sau khi hoàn thành một vòng thi người ta có thể biết ngay kết quả và thứ hạng.
Cũng vì vậy, để đạt được vị trí cao trong mỗi vòng thi cũng như cả cuộc thi, đòi hỏi mỗi thành viên kíp xe phải đạt được sự thuần thục trong sử dụng trang bị vũ khí. Các động tác, thao tác phải trở thành kỹ năng, kỹ xảo và thói quen để khi gặp tình huống sẽ xử lý được ngay lập tức không cần suy nghĩ.
Đội Belarus bị phạt tại trận chung kết hôm qua.
Có được kỹ năng đó là kết quả của một quá trình luyện tập lâu dài, gian khổ và khoa học, hợp lý, đúng như câu khẩu hiệu của bộ đội TTG Việt Nam: "Khổ luyện lái tài, chai tay bắn giỏi".
Theo dõi cuộc thi thấy rằng: sở dĩ đội Nga, đội Trung Quốc, đội Belarus đạt được thành tích cao như vậy là bởi họ đã rất quen thuộc với trang bị, với thao trường. Người với xe như kết thành một thể thống nhất. Còn đường và vị trí các mục tiêu trên trường bắn thì họ đã thuộc đến từng cm.
Là giải đấu của tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác, rất bổ ích với quân đội các nước tham gia
Với sự tham gia của 22 quốc gia đến từ 4 châu lục với những xu hướng và thể chế chính trị khác nhau song giải đấu đã diễn ra một cách hòa bình, fair play và xứng đáng là giải đấu của đoàn kết, hữu nghị và hợp tác.
Tất nhiên, ngoài mục đích cọ xát, đua tài một số nước tham gia giải đấu còn có những mục tiêu riêng như quảng cáo vũ khí, giới thiệu tiềm năng công nghiệp quốc phòng song không vì thế mà làm ảnh hưởng chung đến mục tiêu của giải đấu.
Điều đặc biệt bổ ích với phần lớn các đội tham gia giải đấu là biết mình, biết người, biết mình đang đứng ở đâu trên bản đồ kỹ năng sử dụng trang bị vũ khí mà phấn đấu.
Kết quả trận chung kết Tank Biathlon 2018.
Người Việt Nam ta có câu: "Ở nhà nhất mẹ, nhì con; Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta". Đó là một sự đúc kết rất hay, rất thâm thúy nhằm phê phán tình trạng "mẹ hát, con khen hay"- một thực tế khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực ở nước ta hiện nay.
Đặc biệt, trong huấn luyện quân sự - do đang là thời bình, việc đánh giá kết quả huấn luyện - sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị chủ yếu là thông qua kiểm tra, hội thao. Thế mà hầu hết các cuộc kiểm tra đều cho kết quả khá, giỏi.
Đơn vị nào điểm cũng khá, giỏi, chỉ hơn nhau tí ti, chẳng biết thực chất như thế nào. Chỉ đến khi ra cọ xát với quốc tế mới có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn về kết quả huấn luyện của mình.
Chính nhờ những sự cọ xát, đánh giá đó, quân đội các nước sẽ có những biện pháp phát huy điểm mạnh, khắc phục những mặt yếu để nâng cao chất lượng huấn luyện bộ đội của mình.
Và dù sao cũng phải chân thành cảm ơn nước chủ nhà CHLB Nga đã rất hào phóng, rất chu đáo đứng ra tổ chức giải đấu hấp dẫn và bổ ích này.
No comments:
Post a Comment