Ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine quyết định gây bất ngờ cho thế giới một lần nữa, lần này cùng với tập đoàn công nghiệp quốc phòng Ba Lan sẽ hợp tác phát triển một hệ thống tên lửa phòng không tầm trung mới.
Được xem như "tiền đồn chống Nga", hai quốc gia Ba Lan và Ukraine thời gian qua đã có nhiều chương trình hợp tác phát triển vũ khí rất đáng chú ý.
Vừa qua, Công ty quốc phòng tư nhân WB Electronics của Ba Lan và Tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng Nhà nước Ukraine, UkroboronProm, đang lên kế hoạch cùng phát triển một hệ thống phòng không tầm trung mới hiện đại, "đủ sức bắn hạ bất kỳ loại máy bay nào của Nga".
Ông Roman Mushal đại diện của WB Electronics đã giới thiệu sơ bộ về tính năng kỹ chiến thuật của hệ thống phòng không mới: Bán kính phòng không của hệ thống mới từ 30 đến 110 km, có khả năng cơ động cao và có thể bắn hạ bất kỳ vật thể bay hàng không nào, kể cả đó là loại tên lửa hành trình bay bám địa hình.
Tuy nhiên, hệ thống phòng không mới này về thực chất vẫn là "bình mới - rượu cũ", đây chính là loại tên lửa là loại không đối không R-27 cũ có từ thời Liên Xô được cải tiến phóng từ mặt đất.
Vũ khí phòng không của tương lai?
Theo ông Mushal, hiện tại hệ thống phòng không mới của liên doanh chưa được đặt tên nhưng theo tính toán, thời gian phát triển hệ thống tên lửa mới này, nhanh nhất cũng phải mất khoảng 3 năm.
Trên các phương tiện truyền thông của Ukraine, hệ thống phòng không mới đang phát triển được mệnh danh là vũ khí của tương lai. Nhưng thực tế, đây chỉ là hệ thống tên lửa phòng không được cải tiến từ tên lửa hàng không, mà những cải tiến như thế này chỉ dành cho các nước thuộc thế giới thứ ba.
Theo các nhà phát triển, hệ thống phòng không mới được thiết kế để tạo ra chiếc ô phòng không bảo vệ các công trình quan trọng, các đơn vị binh chủng hợp thành trong chiến đấu, chống lại các mối đe dọa từ trên không, trong đó có cả loại tên lửa hành trình bay bám địa hình, tên lửa không đối đất, tên lửa chống hạm, chống radar; thậm chí là cả tên lửa đạn đạo…
Tên lửa R-27 nguyên mẫu là tên lửa không đối không, trang bị cho dòng máy bay chiến đấu Su và MiG
Với tầm bắn linh hoạt tùy thuộc vào loại đầu đạn mang theo, xa nhất có thể đạt cự ly 110 km, tương đương hệ thống phòng không Patriot PAC-2 của Mỹ. Các bệ phóng tên lửa có tính cơ động cao nhờ sử dụng khung gầm của xe tải việt dã Jelcz 662D của Ba Lan.
Thoạt đánh giá, tính năng kỹ chiến thuật của tổ hợp phòng không mặt đất tầm trung của liên doanh Ukraine là rất tốt, sánh ngang với tổ hợp phòng không Buk mới của Nga và Patriot PAC-2 của Mỹ.
Nhưng đây chỉ là đánh giá sơ bộ, hầu hết các chuyên gia quốc phòng được hãng tin Nga RIA Novosti phỏng vấn đều đưa ra quan điểm vô cùng hoài nghi về dự án của Ukraine và Ba Lan.
Theo quan điểm của các chuyên gia quân sự, tất nhiên có thể điều chỉnh một tên lửa hàng không được phóng từ máy bay chiến đấu ở độ cao lớn sang bắn từ mặt đất nhưng nó sẽ không có tốc độ cao và cự ly bắn xa như khách hàng mong muốn.
Những khó khăn không dễ vượt qua
Vladimir Korovin, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị-Quân sự thuộc MGIMO của Bộ Ngoại giao Nga, ngay lập tức gọi dự án này là không hứa hẹn.
Trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti, ông Korovin cho rằng, tên lửa R-27 được chế tạo theo nguyên lý của tên lửa hàng không (phóng từ trên không), do vậy các nhà phát triển của Ukraine và Ba Lan phải giải bài toán động cơ phóng, để tạo cho tên lửa gia tốc ban đầu.
Nên hiểu rằng, tên lửa hàng không được phóng từ không trung trong khi máy bay đang chuyển động với vận tốc cao, do vậy tạo cho tên lửa có lực đẩy lớn. Việc tạo ra một động cơ để cung cấp sơ tốc ban đầu cho tên lửa như khi phóng từ trên không, là điều không phải dễ dàng.
Công việc phát triển một hệ thống phòng không hoàn toàn không đơn giản. Để phát triển hệ thống phòng không KM-SAM cho riêng mình, Hàn Quốc một quốc gia có nền CNQP tương đối phát triển, đã phải liên doanh với Nga (thực chất là mua công nghệ Nga), trong khi đó Ukraine và Ba Lan đều chưa có kinh nghiệm phát triển các hệ thống phòng không như vậy.
Quay lại tên lửa hàng không R-27, tên lửa này được phát triển vào giữa những năm 1970 tại Phòng thiết kế MMCB của Moscow Vympel.
R-27 có thể tiêu diệt được mọi loại mục tiêu như máy bay cánh bằng, trực thăng, tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) trong tất cả các điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm, được trang bị rộng rãi cho cả họ gia đình máy bay chiến đấu dòng Su và MiG.
Để đáp ứng yêu cầu, tên lửa R-27 liên tục được nâng cấp, sau khi Liên Xô sụp đổ, những phiên bản R-27 của Ukraine hoàn toàn không được nâng cấp do thiếu kinh phí.
Hệ thống phòng không RL-4 của Nam Tư sử dụng 1 tên lửa R-73 cùng tầng khởi tốc
Tuy nhiên Ukraine cũng là quốc gia tham gia sản xuất một số bộ phận và linh kiện của loại tên lửa này (bản quyền tên lửa R-27 sau khi Liên Xô tan rã thuộc về Nga), trong đó đáng chú ý là các loại đầu dò của tên lửa và họ cũng được thừa hưởng một phần tài liệu từ thời Liên Xô.
Hiện nay Ukraine còn một số lượng lớn tên lửa loại này, chúng vẫn có thể được sử dụng, nhưng chắc chắn không thể chống lại các loại mục tiêu hàng không hiện đại.
Ngoài ra, theo ông Korovin, có nhiều vấn đề quan trọng mà ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine không thể giải quyết nếu không có sự tham gia của Vympel (mà điều này chắc chắn không bao giờ xảy ra).
Ba Lan và Ukraine đều không có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế các hệ thống phòng không, ngay cả xe vận chuyển cũng đòi hỏi là loại xe thiết kế chuyên dùng, để đảm bảo an toàn cho hệ thống.
Hành động tuyệt vọng
Ukraine không phải là quốc gia đầu tiên đang cố gắng lấp đầy những khoảng trống trong hệ thống phòng không theo cách tương tự. Những ý tưởng như vậy đã có từ lâu và đều thất bại, kinh nghiệm cải tiến tên lửa hàng không thành tên lửa phòng không của Nam Tư cũ đã được giới quân sự thế giới biết đến.
Vào giữa những năm 1990, một số hệ thống tên lửa phòng không (kể cả loại gắn trên xe kéo và xe bệ tự hành), đã được tạo ra cùng một lúc. Những hệ thống này thậm chí đã được sử dụng để chống lại máy bay Mỹ và NATO trong cuộc can thiệp quân sự vào quốc gia này năm 1999 nhưng hiệu quả chiến đấu của các hệ thống này không được công bố.
Đồ họa hệ thống phòng không mới của liên doanh Ba Lan và Ukraine
Hệ thống phòng không của Ukraine hiện đang ở trong tình trạng rất tồi tệ, mặc dù dưới thời Liên Xô, lãnh thổ Ukraine là nơi được bố trí các hệ thống phòng không dày đặc nhất châu Âu.
Khi Liên Xô tan rã, Ukraine được thừa hưởng rất nhiều các hệ thống tên lửa phòng không cả loại cũ và mới lúc đó như: S-75, S-125, S-200, tổ hợp phòng không lục quân Buk, hệ thống phòng không tầm cao S-300PT và PS được chế tạo vào những năm thập niên 1970-80.
Do thiếu kinh phí và nạn tham nhũng tràn lan, những hệ thống phòng không bị bán tháo cho nước ngoài, số còn lại xuống cấp và vào đầu những năm 2000, chỉ còn lại khoảng 300 hệ thống còn có khả năng chiến đấu.
Một điều không may là Ukraine hoàn toàn không thể sản xuất được những loại tên lửa cho các hệ thống phòng không này.
Ba Lan và Ukraine là một trong những nước Đông Âu hiện nay có lập trường hàng đầu thân phương Tây và xa rời Nga. Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay, Ba Lan cũng thể hiện thái độ phản đối mạnh mẽ Nga, cáo buộc Nga can thiệp vào công việc nội bộ, làm xáo trộn tình hình ở nước láng giềng và hăng hái kêu gọi phương Tây trừng phạt Nga.
Với việc "tiền đồn chống Nga" hợp tác trong một dự án quốc phòng tham vọng như trên, chắc chắn Moskva đang cảm thấy rất lo lắng và phải sớm đề ra được biện pháp đối phó.
Tuy nhiên Moskva cũng không phải lo lắng nhiều vì trên thực chất, những liên doanh này chỉ tồn tại trên giấy hoặc những lời hứa bên lề hội nghị quốc tế mà thôi.
Tên lửa không đối không R-27 và R-73 trên tiêm kích MiG-29
No comments:
Post a Comment