Thursday, January 31, 2019

Giàn "tên lửa 8 nòng" và "đứa con khỏe mạnh của Đào Huy Vũ" trên bãi biển Cửa Việt

Giàn
Giàn "tên lửa 8 nòng" và "đứa con khỏe mạnh của Đào Huy Vũ" trên bãi biển Cửa Việt
Khi chỉ còn cách lớp TTG vòng ngoài vài chục mét, các xạ thủ B41 nhanh chóng xuống xe. 8 khẩu phụt lửa gần như cùng lúc. Ngay loạt đầu, 5 xe tăng và xe thiết giáp địch bùng cháy.

Đó là cái tên trìu mến do anh em trong đơn vị và các chiến sĩ bộ binh (BB) đơn vị bạn tặng cho kíp xe thiết giáp K63 số hiệu 059 và xe tăng T59 số hiệu 995 trong trận chiến chống lấn chiếm tại Cửa Việt ngày 31.1.1973.

Cửa Việt - ngày định mệnh

Do có tầm quan trọng đặc biệt cả về chiến thuật và chiến lược, cảng Cửa Việt (Quảng Trị) đã được đưa vào kế hoạch "tràn ngập lãnh thổ" của Quân lực Việt Nam cộng hòa (VNCH) nhân dịp Hiệp định Pa-ri có hiệu lực (28.01.1973).

Để "tái chiếm" Cửa Việt, theo sự cố vấn của Mỹ, Quân lực VNCH đã tổ chức một chiến dịch mang tên "Tango City" với lực lượng tham gia là một Chiến đoàn đặc nhiệm lấy tên là Tango, đặt dưới sự chỉ huy của Sư đoàn Thủy quân lục chiến (TQLC), do Đại tá Nguyễn Thành Trí, Phó tư lệnh TQLC làm chỉ huy trưởng.

Giàn tên lửa 8 nòng và đứa con khỏe mạnh của Đào Huy Vũ trên bãi biển Cửa Việt - Ảnh 1.

Đơn vị này bao gồm 3 Tiểu đoàn TQLC và các Thiết đoàn 17, 18 và 20.

Hỗ trợ lực lượng này còn có các Lữ đoàn TQLC 147 và 258 tiến đánh trên các hướng thứ yếu, 3 tiểu đoàn pháo binh TQLC, 2 tiểu đoàn bảo an, 4 tàu đổ bộ LCU, cùng hỏa lực không quân và pháo chi viện của Hạm đội 7 và Không quân Hoa Kỳ.

Chiến dịch bắt đầu từ ngày 25.1.1973. Dưới sự yểm trợ của không quân, pháo hạm, Chiến đoàn đặc nhiệm đã chọc thủng được một vài điểm trên tuyến phòng ngự của Quân giải phóng (QGP). Đặc biệt, đêm 27.1.1973, lợi dụng lúc thủy triều xuống và gió thổi mạnh, bộ phận đi đầu của Chiến đoàn đặc nhiệm Tango đã theo sát mép nước xâm nhập khu vực cảng Mỹ.

Phát hiện địch thâm nhập, Tiểu đoàn Bộ binh cơ giới (BBCG66) thuộc Trung đoàn 202 cùng bộ đội Trung đoàn 101, Sư đoàn BB325 đã kiên cường đánh trả.

Sau những trận kịch chiến kéo dài suốt mấy tiếng đồng hồ, cho đến trước khi Hiệp định Pa- ri có hiệu lực (8 giờ sáng ngày 28.01.1973) phía QGP đã đẩy được đối phương ra khỏi khu vực cảng khoảng 700 mét. Sau thời điểm hiệp định có hiệu lực, Lực lượng đặc nhiệm Tango cụm lại thành 4 cụm lớn dọc theo bãi biển Nam Cửa Việt. Mỗi cụm có khoảng 10- 20 xe tăng, xe thiết giáp quây thành vòng tròn xung quanh, bộ binh ở giữa.

Tuy nhiên, về phía QGP cũng có những tổn thất khá nặng nề. Riêng về lực lượng tăng thiết giáp (TTG) của Tiểu đoàn BBCG 66 đã bị cháy gần hết, chỉ còn 1 xe thiết giáp K63 số hiệu 059 và 1 xe BTR50PK lắp cao xạ 23mm nhưng không nổ được máy. Lực lượng BBCG cũng chỉ còn hơn chục tay súng.

"Giàn tên lửa 8 nòng" và "đứa con khỏe mạnh của Đào Huy Vũ"*

Trong khi đó, ý thức được tầm quan trọng chiến lược của Cửa Việt, từ Tổng hành dinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã điện trực tiếp cho Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh mặt trận:

"Phải khôi phục lại bằng được như trước ngày 25.1! Hãy đưa những đứa con khỏe mạnh của Đào Huy Vũ sang bờ Nam ngay" – (Tổng hành dinh trong mùa Xuân đại thắng- Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Chấp hành mệnh lệnh của Tổng hành dinh, Bộ Tư lệnh Mặt trận quyết định ngày 31.1.1973 sẽ mở cuộc tổng công kích vào toàn bộ lực lượng đặc nhiệm Tango đang đóng dọc bờ biển Nam Cửa Việt.

Để tăng cường lực lượng tiến công, tướng Lê Trọng Tấn quyết định đưa 1 đại đội xe tăng T-54, T-59 của Trung đoàn 203 đang đóng tại Cam Lộ và 1 phân đội tên lửa chống tăng B72 sang bờ Nam tham chiến.

Tuy nhiên, do đường cơ động quá xấu cộng với sông rộng, sóng to gió lớn mà phương tiện vượt sông lại yếu kém nên chuẩn bị đến giờ công kích mà chưa có chiếc T-54, T-59 nào sang được bờ Nam.

Giàn tên lửa 8 nòng và đứa con khỏe mạnh của Đào Huy Vũ trên bãi biển Cửa Việt - Ảnh 2.

Cảng Cửa Việt - 1969 - Photo by K Weston.

Mặc dù vậy, Bộ chỉ huy mặt trận vẫn quyết định công kích theo đúng kế hoạch. Nhiệm vụ của TTG bờ nam lúc này đặt hết lên vai xe 059.

Sau khi nhận nhiệm vụ về, trưởng xe Nguyễn Văn Nương thống nhất cách đánh như sau: "Dưới sự chi viện của pháo binh, dùng xe 059 chở 8 xạ thủ B41 sử dụng tốc độ cao lao vào giữa đội hình quân địch, khi thời cơ thuận lợi các xạ thủ B41 xuống xe diệt xe tăng, xe thiết giáp địch, chi viện cho bộ binh tiến công".

5 giờ 30 phút ngày 31.1.1973, pháo binh QGP và tên lửa B72 bắt đầu khai hỏa. Sau 30 phút hỏa lực chuẩn bị, lực lượng đặc nhiệm Tango đã có một số tổn thất. Lợi dụng lúc đối phương đang hoang mang, xe 059 dùng tốc độ cao lao thẳng vào cụm địch số 1.

Thấy chỉ có 1 xe thiết giáp đơn độc lao vào, lính VNCH nổ súng ngăn chặn. Lái xe Vũ Văn Nhật không giảm tốc độ mà cho xe chạy theo hình zic-zắc để tránh đạn. Phía sau, bộ binh QGP cũng bám sát theo xe ào lên.

Khi chỉ còn cách lớp TTG vòng ngoài vài chục mét, các xạ thủ B41 nhanh chóng xuống xe. 8 khẩu B41 phụt lửa gần như cùng một lúc. Ngay loạt đạn đầu, 5 xe tăng và xe thiết giáp địch bùng cháy.

Quan sát thấy một chiếc M48 đang rê pháo theo mình, Vũ Văn Nhật kéo chuyển hướng gấp. Một phát đạn xuyên bay sát cạnh xe.

Trong khi đó, xạ thủ 12,7 mm của xe 059 nhanh chóng tiêu diệt tên lái xe đang định trèo vào xe. Lái xe Nhật cho xe 059 áp sát vào xe M48 lúc này chỉ như một cục sắt rồi gọi hàng. Mấy tên địch trong xe lóp ngóp chui ra xin hàng.

Không dừng ở đó, Vũ Văn Nhật giao xe cho trưởng xe Nguyễn Văn Nương lái rồi leo sang chiếc M48 cắm cờ lên tháp pháo, sau đó nổ máy xe quay đầu lại và lao thẳng vào đám loạn quân làm chúng hết sức hoang mang. Xe M48 và xe 059 dẫn dắt bộ binh đánh thẳng vào Sở chỉ huy Lữ đoàn 147 TQLC ở Cụm 2, tiêu diệt tên lữ đoàn phó.

Trong lúc xe 059 đang tung hoành thì xe T59 số hiệu 995- "đứa con khỏe mạnh" duy nhất đã được đưa sang bờ Nam.

Mặc dù chỉ có 1 xe song kíp xe đã nhanh chóng tăng tốc độ để tham gia chiến đấu. Được bộ binh dẫn đường, xe 985 lao thẳng vào cụm 3 của địch và ngay lập tức bắn cháy 2 xe M48.

Trước sức tiến công dữ dội của bộ binh và xe tăng QGP, lực lượng đặc nhiệm Tango lớp ra hàng, lớp hè nhau bỏ chạy về phía Nam. Đến 10 giờ 30 phút ngày 31.1.1973, tuyến phòng thủ Thanh Hội, Long Quang, Chợ Sải được khôi phục như trước ngày 25.1.1973.

  • Cầm trịch cuộc chơi lớn ở Syria: Nga giấu "Át chủ bài"- Phần thú vị nhất đang chờ phía trước?

  • Tên lửa S-300 biến thành cục sắt vô tích sự tại Syria trong lúc "nước sôi lửa bỏng"?

  • Cựu Tư lệnh KQ Israel: Chỉ duy nhất Nga mới đủ sức mạnh buộc Iran phải rút khỏi Syria

Trận đánh kết thúc, lái xe Vũ Văn Nhật dùng chiếc xe M48 chiến lợi phẩm kéo thêm 3 xe tăng, xe thiết giáp nữa về vị trí tập kết của đơn vị.

Giờ đây, cả hai chiếc xe 059 và 995 đều được trưng bày tại một vị trí trang trọng tại Bảo tàng Lực lượng TTG (số 108 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội). Còn cái tên trìu mến "giàn tên lửa 8 nòng" và "đứa con khỏe mạnh của Đào Huy Vũ" thì vẫn sống mãi trong lòng cán bộ chiến sĩ xe tăng và các chiến sĩ BB tham chiến trong trận phản công Cửa Việt ngày đó.

(*) Đào Huy Vũ - Tư lệnh binh chủng Tăng Thiết giáp thời điểm đó. "Những đứa con khỏe mạnh của Đào Huy Vũ" - ý chỉ các loại xe tăng chiến đấu chủ lực lúc đó - T54, T59.

No comments:

Post a Comment