Israel bất ngờ tấn công Syria giữa ban ngày...
Theo Bộ Quốc phòng Nga, vào lúc 1h32 chiều qua (20/1/2019) theo giờ địa phương, Không quân Israel bất ngờ mở một đợt tấn công vào lãnh thổ Syria. Mục tiêu của những quả tên lửa phóng đi từ tiêm kích F-16 Israel được cho là nhằm vào các mục tiêu ở quanh khu vực sân bay quốc tế Damascus ở phía tây nam Thủ đô của Syria.
Phòng không Syria đã báo động khẩn cấp, kịp thời sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, bắn hạ nhiều tên lửa của Israel.
Nguồn tin quân sự Syria cho biết đã có ít nhất 7 quả tên lửa có điều khiển phóng đi từ F-16 Israel đã bị bắn hạ. Chiến công này được ghi nhận cho các tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M2E và các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1, nhờ đó phòng không Syria đã bẻ gãy đợt tấn công lớn của Israel, bảo vệ an toàn các mục tiêu được giao.
Israel coi Iran là kẻ thù truyền kiếp và đánh giá Iran là mối đe dọa an ninh còn lớn hơn cả tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vì thế, trong thời gian qua, Israel liên tiếp thực hiện những cuộc tấn công công khai và trực tiếp vào chiến trường Syria với lý do là nhằm để tiêu diệt đội quân của Iran.
Tổ hợp Pantsir-S1 Syria đã bị tiêu diệt.
... và sự liều lĩnh tột cùng, bất chấp Syria đã có tên lửa S-300
Có lẽ trận đánh chiều qua là lần đầu tiên Không quân Israel tấn công vào Syria giữa ban ngày sau gần tròn 1 năm chỉ đánh ban đêm, kể từ hôm 10/02/2018 khi phòng không Syria khiến 1 chiếc tiêm kích F-16 "thần thánh" của Israel tan xác.
Trận đánh ngày 10/02 ấy được đánh giá một trong những cuộc đối đấu khốc liệt nhất giữa lực lượng phòng không Syria với Không quân Israel.
Cả hai bên đều tung vào trận lực lượng mạnh, trong đó phía Syria là sự hiệp đồng của nhiều loại vũ khí phòng không cùng lúc, từ tên lửa cổ lỗ như S-75, S-125, S-200 cho tới những loại cơ động, hiện đại như Kub, Buk-M2E, Pantsir-S1.
Các bên đều tuyên bố đã đạt được mục tiêu trong đó Israel cho rằng đã diệt được một nửa số bệ phóng tên lửa phòng không của Syria cũng như trung tâm chỉ huy điều khiển máy bay không người lái của Iran, còn ở phía ngược lại, Syria lần đầu tiên bắn hạ được tiêm kích F-16 của Israel, đồng thời tiêu diệt được 13 trên tổng số 18 quả tên lửa hành trình không đối đất.
F-16 bị bắn rơi là một cú sốc mạnh đối với Không quân Israel, lực lượng vốn được coi là thiện chiến bậc nhất trong khu vực với những chiến tích oanh liệt và khiến họ phải tiến hành ngay lập tức một cuộc điều tra cặn kẽ về việc tại sao lại xảy ra vụ việc này.
Bầu trời thủ đô Damascus rực sáng bởi những quả tên lửa của cả Syria lẫn Israel.
Sau thảm họa lừa máy bay trinh sát IL-20 Nga rơi vào tình huống chết chóc bởi tên lửa S-200 Syria khiến toàn bộ 15 quân nhân Nga thiệt mạng, Israel đã im hơi lặng tiếng suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, gần đây, Quân đội Do Thái lại đột ngột tăng cả tần suất lần quy mô tấn công Syria.
Những trận đánh đều diễn ra khốc liệt khi mà tiêm kích F-16 và thậm chí là cả tiêm kích tàng hình F-35 của Israel liên tiếp phóng tên lửa hành trình, tên lửa có điều khiển tấn công vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Syria.
Nhưng cả 2 trận đánh mới nhất vào chiều qua và rạng sáng nay (21/1) cho thấy Không quân Do Thái đã leo lên đến tột cùng của sự liều lĩnh.
Thứ nhất, đánh bất kể ngày đêm với cường độ và quy mô lớn. Không quân Israel thường tiến hành tập kích ban đêm nhằm lợi dụng sự lơ là, mất cảnh giác của phòng không Syria để tăng xác suất xuyên thủng các vành đai hỏa lực, đánh trúng mục tiêu.
Tuy nhiên, chiều qua họ đã đánh giữa ban ngày bất chấp ánh sáng mặt trời được coi là kẻ thù của máy bay và tên lửa trong các cuộc tập kích đường không.
Nếu Syria tổ chức mạng lưới radar cảnh giới nhiều tầng, nhiều lớp kết hợp với các trạm quan sát mắt trực canh liên tục thì họ có thể phát hiện sớm, từ xa các máy bay/tên lửa Israel để kịp thời chuyển cấp báo động, đánh trả hiệu quả.
Nên nhớ, cả 2 loại vũ khí phòng không tiên tiến nhất của Syria là Pantsir-S1 lẫn Buk-M2 đều có khả năng bắn mục tiêu bằng khí tài quang - ảnh nhiệt với xác suất trúng đích rất cao và chúng không hề chịu tác động của nhiễu điện tử.
Thế nên, việc Israel bất ngờ tấn công ban ngày có thể được coi là hết sức "biến ảo", bởi quy luật tấn công ban đêm khiến phòng không Syria cảnh giác cao hơn mỗi khi mặt trời lặn.
Nay đánh giữa thanh thiên bạch nhật, bất chấp cả tên lửa S-300, các máy bay F-16 Israel có thể đã phát hiện kẻ hở nào đó trong hệ thống phòng không Syria, mà có thể là nhiều tổ hợp phòng không sau 1 đêm dài trực căng thẳng đã hạ cấp sẵn sàng chiến đấu, dành sức cho buổi tối.
Thứ hai, như thế vẫn chưa phải là nấc thang cuối cùng, rạng sáng hôm sau (21/01/2019), IDF lại tiến hành một đợt không kích lớn chưa từng có nhằm vào Syria. Sự liều lĩnh của Israel thể hiện ở chỗ họ tấn công sân bay Damascus giữa lúc có nhiều chuyến bay thương mại đang hoạt động trong khu vực đúng thời điểm này.
Chuyến bay số hiệu AF487 của Air France từ Amman.
Chuyến bay số hiệu TK814 của Turkish Airlines phải vòng chờ gần Amman Queen Alia.
Có ý kiến cho rằng dường như Israel đã bất chấp tính mạng của hàng trăm hành khách trên những chuyến bay đó.
Trong tình huống rất phức tạp, rất có thể tên lửa phòng không Syria sẽ bắn nhầm và như thế sẽ gây ra thảm họa nhân đạo còn lớn hơn và khủng khiếp hơn nhiều lần so với vụ máy bay trinh sát IL-20 của Nga bị bắn hạ.
Đồng thời, bên cạnh việc tấn công các mục tiêu Iran, Israel còn đánh hủy diệt một số đơn vị phòng không Syria. Ít nhất 1-2 tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Patnsir-S1 của Syria đã bị tiêu diệt.
Rất may là không có thảm họa nào xảy ra khi phòng không Syria đã đánh trả quyết liệt, bắn hạ hầu hết tên lửa và bom lượn mà Israel phóng vào, tuy nhiên họ (Syria) cũng phải chịu thiệt hại đáng kể về cả người lẫn vũ khí trang bị.
No comments:
Post a Comment