Ngày 19/01/2019, trong không khí xúc động và hào hùng tại buổi lễ "Kỷ niệm 50 năm dấu ấn cuộc đời" và ra mắt cuốn Hồi ký "Trưởng thành qua trận mạc" của Trung tướng Nguyễn Như Hoạt nguyên GĐ Học viện Quốc phòng, nguyên Tư lệnh QK Thủ Đô, các tướng lĩnh cấp cao QĐNDVN đã cùng "Hát mãi khúc quân hành" mừng người đồng chí, đồng đội thân thiết.
Tới dự buổi lễ trọng đại được tổ chức tại Hà Nội có Đại tướng Phùng Quang Thanh - nguyên Bộ trưởng BQP, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Thứ trưởng BQP, Thượng tướng Bế Xuân Trường - Thứ trưởng BQP, Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình - nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân cùng nhiều tướng lĩnh cấp cao khác.
Cùng Trung tướng Nguyễn Như Hoạt, họ đã sống lại những giây phút hào hùng của đời binh nghiệp, từ những trận chiến khốc liệt ở Quảng Trị, Đường 9 - Nam Lào, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cho tới chiến tranh Biên giới phía Bắc, đánh thắng quân xâm lược.
Trong thời gian ngắn ngủi, Trung tướng Nguyễn Như Hoạt đã tái hiện một cách sinh động, chân thực về những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời ông.
Tuy vậy, chừng ấy là chưa đủ, để hiểu thêm về một giai đoạn hết sức hào hùng song không kém phần gian khổ, ác liệt của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc oai hùng, quý độc giả có thể tìm đọc cuốn Hồi ký Trung tướng AH LLVTND Nguyễn Như Hoạt "Trưởng thành qua trận mạc" vừa được NXB QĐND ấn hành.
Trung tướng Nguyễn Như Hoạt (đứng giữa) cùng cất vang lời ca "Hát mãi khúc quân hành". Ảnh: Bình Nguyên.
Từ binh nhì tới Trung tướng
Có thể nói, cuốn hồi ký đặc sắc dưới sự thể hiện của Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt đã tái hiện một cách sống động, chân thực cuộc đời của Anh hùng Nguyễn Như Hoạt, từ anh binh nhì tới vị Trung tướng nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân khu Thủ đô.
Mặc dù là con một, nhưng được sự giáo dục của gia đình, nhà trường và được khí thiêng của miền quê Bắc Ninh giàu truyền thống văn hóa, thượng võ, yêu nước và cách mạng, khi chưa đầy 17 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Như Hoạt đã viết đơn tình nguyện và lên đường nhập ngũ theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới ở Trung đoàn bộ binh 568, Nguyễn Như Hoạt được điều động về Trung đoàn bộ binh 48, Sư đoàn 320 hành quân vào chiến trường để chuẩn bị tham giao vào cuộc Tổng tiến công chiến lược Mậu Thân 1968.
Trong chiến dịch này, ông đã cùng đơn vị chiến đấu tại mặt trận cánh Đông Quảng Trị với nhiệm vụ cắt đứt đường tiếp vận từ cửa Việt, Đông Hà lên Khe Sanh. Ông đã trực tiếp tham gia các trận đánh, dũng cảm chiến đấu tiêu diệt nhiều tên địch.
Đặc biệt, ngày 05/05/1968, trong trận đánh địch tại xóm Đồng Hoang, đơn vị của Nguyễn Như Hoạt đã phối hợp với địa phương đánh bại cuộc tiến công của một tiểu đoàn thủy quân lục chiến, một tiểu đoàn kỵ binh bay của Mỹ có sự yểm trợ của xe tăng, máy bay và pháo binh các loại.
Khi các cán bộ trong đại đội bị thương và hy sinh hết, chiến sĩ liên lạc Nguyễn Như Hoạt, nhờ thường xuyên đi cùng chỉ huy nên nắm được phương án tác chiến đã mưu trí, linh hoạt chỉ huy đơn bị đánh lui nhiều cuộc tiến công của địch, giữ vững được trận địa, bảo vệ được thương binh.
Với những chiến công đó, tháng 9/1970, Nguyễn Như Hoạt được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi vừa tròn 20 tuổi.
Từ năm 1970 đến năm 1973, ông liên tục chiến đấu trên các chiến trường Đường 9 - Nam Lào và "miền đất lửa" Quảng Trị. Để chuẩn bị cho những trận đánh lớn trong tương lai, giữa năm 1973, đơn vị của Nguyễn Như Hoạt được đưa ra Bắc tham gia thành lập Binh đoàn Quyết Thắng.
Tháng 3 năm 1975, ông cùng đơn vị đã thực hiện cuộc hành quân "Thần tốc" vượt qua 1.700km để tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong chiến dịch này, Trung đoàn 48 được tăng cường xe tăng, pháo binh có nhiệm vụ làm mũi thọc sâu cơ giới của Binh đoàn đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn.
Đại tướng Phùng Quang Thanh tặng hoa chúc mừng Trung tướng Nguyễn Như Hoạt. Ảnh: Bình Nguyên.
Trong đó, Tiểu đoàn 1 do ông chỉ huy có vinh dự dẫn đầu mũi thọc sâu. Ngày 29/04/1975, Nguyễn Như Hoạt đã trực tiếp ngồi trên xe tăng chỉ huy đơn vị tiến công tiêu diệt Chi khu quân sự Tân Uyên để mở thông đường tiến về Sài Gòn. Trong trận đánh này ông đã bị thương nặng.
Sau ngày đất nước thống nhất, Nguyễn Như Hoạt được đưa đi học bồi dưỡng văn hóa, ngoại ngữ và tu nghiệp tại Học viện Lục quân Đà Lạt. Tốt nghiệp Học viện, ông được điều động ra biên ải phía Bắc.
Tại đây, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Trung đoàn trưởng Trung đoàn bộ binh 4, Sư đoàn trưởng Sư đoàn bộ binh 3, Tỉnh đội trưởng Hà Bắc, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng QK1.
Dù ở bất cứ cương vị nào ông đều tận tâm tận lực, phấn đấu hết sức mình để chỉ huy đơn bị hoàn thành nhiệm vụ trên giao. Bên cạnh đó, trong thời gian này ông còn bảo vệ thành công Luận án Phó Tiến sĩ khoa học quân sự, đồng thời làm tròn trách nhiệm của một Đại biểu Quốc hội khóa X. Năm 1998 ông được Nhà nước phòng quân hàm Thiếu tướng.
Trung tướng Nguyễn Như Hoạt tăng cuốn Hồi ký "Trưởng thành qua trận mạc" cho các Các tướng lĩnh cấp cao QĐND Việt Nam - những người đồng chí, đồng đội thân thiết của ông. Ảnh: Bình Nguyên.
Sau 20 năm trấn ải biên thùy phía Bắc, năm 2002, Nguyễn Như Hoạt được điều về làm Tư lệnh QK Thủ Đô và được phong quân hàm Trung tướng.Tháng 7/2008, Trung tướng Nguyễn Như Hoạt được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Học viện Quốc phòng. Năm 2009, ông được phong hàm Phó Giáo sư về khoa học quân sự. Năm 2010, ông nghỉ hưu.
Trách nhiệm, tận tụy, dũng cảm, linh hoạt sáng tạo
Trong suốt 43 năm phục vụ quân đội, trưởng thành từ một binh nhì chiến sĩ lên đến Trung tướng Tư lệnh Quân khu, Giám đốc Học viện Quốc phòng, phẩm chất của ông là tinh thần trách nhiệm tận tụy vì nhiệm vụ và ý thức tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh cấp trên, dũng cảm, linh hoạt sáng tạo trong chiến đấu.
Gia đình hạnh phúc của Trung tướng Nguyễn Như Hoạt. Ảnh: Bình Nguyên.
Bên cạnh đó là tinh thần tích cực học tập, tu dưỡng để không ngừng nâng cao kiến thức và hoàn thiện bản thân.
Không chỉ là một chỉ huy dũng cảm, mưu trí, một cán bộ văn võ song toàn, Nguyễn Như Hoạt còn là một người con hiếu thảo của quê hương, gia đình, một người chồng thủy chung, một người cha mẫu mực.
Với những phẩm chất và cống hiến của mình, ông xứng đáng là một tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo và học tập.
No comments:
Post a Comment